Sự việc một thầy giáo ở Hà Nội tát học sinh vì làm ồn, ngay sau đó nhà trường đã tổ chức cuộc họp và quyết định chấm dứt hợp đồng với thầy giáo này khiến cho nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng. Và nhiều ý kiến cho rằng nhà trường làm nhanh vì sợ dư luận.
Các thầy cô giáo nói gì?
Sau khi xảy ra sự việc thầy Ngô Văn Lực tát học sinh trong trường, Ban giám hiệu trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) đã có cuộc họp và đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với thầy Ngô Văn Lực là Tổng phụ trách của nhà trường với lý do đánh học sinh đã khiến không ít giáo viên làm nghề cảm thấy hoang mang, lo lắng. Nhiều thầy cô giáo cho rằng ban giám hiệu trường THCS Khương Thượng là nặng quá so với mức độ vấn đề.
Chia sẻ về hình thức kỷ luật trên cô Trần Thị Thủy (một giáo viên dạy cấp II, ở Hà Tĩnh) cho hay: “Thực sự mình thấy hình thức kỷ luật đó khá nặng và nhà trường hơi vội vàng. Vì muốn trấn an dư luận mà đưa ra hình thức kỷ luật như vậy thì không nên”.
Ảnh minh họa.
Cô Thủy cho biết thêm: “Học sinh ở độ tuổi cấp 2 là tuổi đang hình thành tính cách, cá tính nên nhiều học sinh có những hành động vượt quá chuẩn mực của một học sinh. Chính vì vậy trong quá trình dạy giáo viên gặp phải nhiều tình huống dở khóc, dở cười”.
“Bản thân tôi là một giáo viên, tôi không cổ vũ bạo lực trong học đường, không đồng ý hành động giáo viên dùng bạo lực với học sinh. Đánh học sinh là sai, tuy nhiên việc xử lý kỷ luật giáo viên nên công bằng và hợp tình hợp lý, không nên quá ưu ái cho học sinh mà đưa ra những quyết định vội vàng, “cướp” đi cơ hội theo đuổi nghề của giáo viên đó”, cô Thủy trải lòng.
Cô Thủy tâm sự thêm: “Cứ thế này sẽ có lúc các thầy cô không thể dạy nổi và ngại va chạm với học sinh. Đồng thời một số học sinh sẽ có cớ gây khó dễ với giáo viên đặc biệt là những học sinh cá biệt”.
Với góc nhìn đa chiều, cô Đặng Thị Phương (giáo viên ở TP. Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Sự việc trên cả thầy và trò đều sai. Trong giờ học nếu học sinh đã nói chuyện, làm ảnh hưởng đến các lớp khác, khi bị nhắc nhở còn có hành động văng tục với thầy là học sinh sai. Còn người thầy giáo đánh học sinh là hành vi không đúng chuẩn mực, đạo đức nhà giáo nên có hình thức kỷ luật, nhưng mức độ như thế nào thì nhà trường nên xem xét sao cho hợp tình, hợp lý, không nên quá nặng tay”.
“Đành rằng, nhiều lúc trong quá trình dạy giáo viên cũng sẽ nóng nảy và có hành động không kiềm chế được. Tuy nhiên, tôi mong rằng nhà trường có thể xem xét lại hình thức kỷ luật và cho thầy Lực có một cơ hội làm lại thay vì là chấm dứt hợp đồng”, cô Phương chia sẻ.
Sự việc của thầy giáo trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) là bài học cho nhiều giáo viên. Ảnh minh họa.
Phụ huynh góp ý nên cho thầy Lực một cơ hội...
Đứng ở khía cạnh là một phụ huynh chị Trần Thị Ngọc (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự tôi thấy hình thức đó quá nặng so với mức độ vấn đề. Cách đây không lâu cũng có một giáo viên đánh cho học sinh bầm tím tay, sau khi nhận lỗi phụ huynh cũng đã bỏ qua, nhà trường cũng phạt cô giáo đó bằng hình thức khiển trách và rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ sự việc này cũng không quá nghiêm trọng đến mức phải đuổi việc”.
“Tôi hiểu những khó khăn, những tình huống dở khó, dở cười mà các giáo viên đã phải trải qua trong quá trình giảng dạy. Có trường hợp nhiều học sinh cá biệt sẽ cố tình gây khó dễ với giáo viên vì lý do không thích giáo viên đó rồi cố tình chống đối. Thực sự lúc đó giáo viên stress vô cùng, phụ huynh hãy nghĩ đến những lúc giáo viên phải tự mình vượt qua những lúc đó, đừng chỉ nhìn vào hành động nhất thời”, chị Ngọc tâm sự.
Hay chị Trần Thị Thanh Duyên (Long Biên, Hà Nội) kể: “Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh những giáo viên trẻ mới ra trường được phân công lớp chủ nhiệm lớp, giờ sinh hoạt học sinh trốn tiết hay quấy rối ảnh hưởng các học sinh khác vì vậy mình hãy nhìn một cách khoan dung, độ lượng”.
Theo chị Duyên: “Gia đình học sinh, nhà trường cũng như dư luận xã hội nên thông cảm và cho thầy Lực một cơ hội để lấy lại lòng tin với học sinh, phụ huynh. Đồng thời đây là bài học không chỉ cho thầy Lực mà các giáo viên khác”.