Thời gian qua, Công lý có loạt bài phản ánh những bất cập trong việc Hải quan Cảng Đà Nẵng tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu, thậm chí có những dấu hiệu Hải quan hành doanh nghiệp.
Vụ việc này tiếp tục bị kéo dài vì Tổng cục Hải quan ( TCHQ) ban hành quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu”. Tuy nhiên, sau khi xem xét rất kỹ, tham khảo ý kiến từ cơ quan chuyên môn, Cơ quan điều tra đã khẳng định chưa đủ căn cứ.
Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu
Đó là khẳng định của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an trong Văn bản số 231/C46(P10) ngày 6-6-2012 trả lời TCHQ. Cụ thể, sau hơn 100 ngày “tra xét” lô hàng 22 container gỗ nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, đến ngày 13-4-2012, Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ) ký Quyết định số 02/QĐ-ĐTCBK khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu gỗ xảy ra tại Đà Nẵng. Ngày 30-5-2012, TCHQ có Văn bản số 2576/TCHQ- ĐTCBL về việc chuyển hồ sơ vụ án “buôn lậu” tại Cảng Đà Nẵng cho C46.
C46 khẳng định chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu
Trước đó, C46 đã cử Điều tra viên của mình cùng với Kiểm sát viên (Vụ I- VKSNDTC) nghiên cứu hồ sơ, tiến hành xác minh làm rõ một số vấn đề trong vụ án. C46 đã xác định lại toàn bộ diễn biến và hành trình lô gỗ được nhập từ Lào về Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ 3 cũng như quá trình các cơ quan của TCHQ tiến hành tạm giữ lô hàng này…
Ngày 9-5-2012, C46 đã có Công văn số 146/C46 (P10) gửi Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT trao đổi về những quy định của pháp luật Việt Nam về việc quản lý hoạt động xuất khẩu các loại sản phẩm này. Bằng 2 văn bản trả lời C46, Cục Kiểm lâm đều khẳng định rằng các loại gỗ này (kể cả gỗ trắc mà doanh nghiệp khai trong tờ khai hải quan) và thực tế kiểm tra khi xuất khẩu đều không phải xin phép cơ quan kiểm lâm. Từ đó, C46 xác định rằng: “Do vậy, Công ty TNHH Ngọc Hưng có hành vi khai báo không đúng về số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định trách nhiệm của người khai báo… nhưng những sai phạm này không trái với những quy định của Nhà nước về quản lý công tác xuất, nhập khẩu những sản phẩm này. Do vậy chưa đủ yếu tố cấu thành tội “buôn lậu” quy định tại Điều 153 BLHS nước CHXHCN Việt Nam mặc dù lô hàng đã được thông quan. ”
Việc C46 khẳng định chưa đủ yếu tố cấu thành cũng đồng nghĩa là không có tội phạm. Cho nên việc TCHQ quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” là không có căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự. Việc này đang bị nghi ngờ rằng đây là một cách… câu giờ(!?).
Vậy là lô hàng đã được cho xuất khẩu lại dừng thông quan để kiểm tra, rồi khởi tố vụ án nhưng không được chấp nhận. Giờ đây, lô hàng lại tiếp tục nằm chờ mà chưa có tín hiệu nào cho thấy nó sẽ được phán xét, dù gần 200 ngày với bao chi phí, thiệt hại tiền tỷ là nhãn tiền! Điều quan trọng là giờ đây trách nhiệm thuộc về mình nhưng cơ quan Hải quan đang tìm cách “né”!
Lại tiếp tục bị… “ngâm”!
Theo C46 thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội “buôn lậu” và theo pháp luật hình sự thì không có vụ án buôn lậu đối với lô hàng gỗ do Hải quan Cảng Đà Nẵng tạm giữ từ đầu năm 2012. Cho nên điều đương nhiên là TCHQ phải nhận lại vụ việc này để xử lý bởi đã từng tạm giữ, khởi tố. Nhưng không hiểu sao đã hàng tháng trời, khi C46 trả lời rõ ràng như vậy mà đến nay phía Hải quan vẫn không có động thái gì. Thậm chí dường như đã có sự “nhầm lẫn” khi lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng “hồ sơ vụ việc vẫn thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan Công an”. Đáng chú ý, theo khẳng định của vị này thì quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” của TCHQ là đúng, tức là phản bác lại khẳng định của Cơ quan điều tra.
Theo xác định của C46 thì doanh nghiệp có hành vi khai không đúng về số lượng, chủng loại. Nhưng hành vi này, theo quy định tại điểm b khoản 4, Điều 9, Nghị định sỗ 97/2007/NĐ-CP ngày 7-6-2007 của Chính phủ (Quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan), đối với loại gỗ có nguồn gốc nhập khẩu, doanh nghiệp có thể bị nộp đủ thuế và phạt 10% khai thiếu thuế. Nhưng theo C46 thì “nếu tính thuế cho tất cả lô hàng bù trừ thì số thuế doanh nghiệp thực tế trốn không đáng kể hoặc có thể doanh nghiệp đã nộp nhiều hơn thực tế phải nộp”. Vậy là kể cả về hành vi hành chính là “trốn thuế” thì chủ lô hàng này cũng không vi phạm.
Quan điểm của C46 đã rõ nhưng đã hàng tháng trôi qua mà chưa thấy TCHQ có động thái nào khác. Mọi chuyện lại tiếp tục im ắng như trước đây khi mà thời gian tạm giữ lô hàng đã quá dài. Điều đáng quan tâm hơn cả là lô hàng này đã “nằm” tại Cảng Đà Nẵng gần 200 ngày với chi phí tiền tỷ cho việc thuê kho bãi, giám định…
Xuân Thao