Ba ngày gần đây trên Quốc lộ 5 (đoạn qua thị trấn Văn Lâm, Hưng Yên) thường xuyên xuất hiện hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt vào giờ cao điểm do nhiều tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm (BOT).
Ngày 6/9, thông tin từ Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) - đơn vị quản lý hai trạm thu phí QL5 cho biết vừa gửi văn bản đề nghị đến Tổng cục An ninh và Công an các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, điều tra các hành vi gây mất trật tự và an ninh tại trạm QL5 (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Cùng với đó, Vidifi đề nghị các cơ quan trên điều tra làm rõ hành vi nêu trên của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Vidifi cho biết, hiện nay với sự lan truyền rất nhanh thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin bình luận mang tính tiêu cực vào thời điểm dư luận xã hội đang quan tâm và có nhiều ý kiến về các Dự án BOT giao thông khác, các đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này để cấu kết, kích động gây mất trật tự, an ninh tại khu vực Trạm thu phí. Việc tập hợp các đoàn xe gây mất trật tự nêu trên chủ yếu thông qua facebook, các diễn đàn để gây rối tại Trạm thu phí số 1 – QL5.
Trước đó, lúc 15h50 ngày 4/9, có khoảng 30 xe ô tô (trong đó có khoảng 15 xe của một doanh nghiệp tại TP.Hải Dương) đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng để trả phí khi đi qua trạm thu giá số 1 theo chiều Hải Phòng - Hà Nội. Sau đó, các xe này lại quay đầu xe tại khu vực trạm (chiều Hà Nội - Hải Phòng) và tiếp tục trả tiền lẻ, cố tình gây ắch tắc giao thông.
Tiếp đó, chiều 5/9, một số tài xế đã dùng tiền lẻ để trả phí qua Trạm thu phí số 1 – QL5, đoạn qua hai huyện Như Quỳnh, Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên để phản đối đơn vị này thu phí cao trong khi đó đường hư hỏng. Đến chiều nay (6/9), Trạm thu phí BOT QL5 (Văn Lâm, Hưng Yên) tiếp tục xảy ra tình trạng ùn tắc do nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé.
Tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm thu phí
Các vấn đề nói trên đã được Vidifi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để có ý kiến chỉ đạo. Những ý kiến phản ánh về bất cập thu phí hở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của người dân xung quanh trạm đang được Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu áp dụng chung tại các trạm thu phí trên toàn quốc.
Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Hưng Yên, nhà đầu tư để khảo sát các khu vực dân cư xung quanh trạm thu phí. Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết sau khi có khảo sát tỉnh sẽ có báo cáo để xem xét đề xuất với Bộ GTVT liên quan đến mức phí tại trạm này.
Vidifi là chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và được giao quyền thu phí QL5 từ năm 2009. Theo doanh nghiệp, nguồn thu phí QL5 từ 2009 đến nay khoảng 1.700 tỷ đồng, chủ yếu để thực hiện duy tu và sửa chữa cho chính QL5, chưa hỗ trợ được cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quy định.
QL5 dài hơn 100km đã được đại tu, mở rộng nâng cấp từ năm 1998. Hiện phần lớn các công trình mặt đường, các công trình phụ trợ đã xuống cấp và đều đã quá thời hạn đại tu, dự kiến cần đầu tư sửa chữa từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015. Theo Kiểm toán Nhà nước, thời gian thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5 là 28 năm 8 tháng 27 ngày, sau đó đơn vị quản lý sẽ bàn giao cả 2 đường cho Nhà nước.