Mặc dù vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khiến 2 người thương vong, nhưng đơn vị trực tiếp thi công vẫn không cung cấp thông tin cho báo chí với lý do đang chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Trước đó, Báo Công lý đã có bài: “Tai nạn 2 người thương vong tại trụ sở EVN Hải Dương: Nhà thầu giấu nhẹm?” phản ánh vụ tai nạn nghiêm trọng tại công trình xây dựng trụ sở EVN Hải Dương do Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ 28/9/2015, dự kiến cuối tháng 9/2017 sẽ hoàn thành. Tổng thầu chính của Dự án là Tổng công ty 319 - BQP. Công ty Cổ phần Thang máy và Đầu tư HTC (Công ty HTC) là nhà thầu phụ, cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy cho công trình.
Công trình xây dựng trụ sở EVN Hải Dương, nơi xảy ra tai nạn
Nhà thầu phụ là "thương hiệu lớn, có uy tín"
Trao đổi với PV về vụ việc tai nạn tại công trường trụ sở EVN Hải Dương, ông Trần Ngọc Minh, Chánh văn phòng Tổng công ty 319 – BQP cho biết: “Đơn vị trực tiếp thi công cùng với nhà thầu phụ đã thực hiện đầy đủ những cam kết, hỗ trợ với gia đình người bị nạn. Về phía đơn vị, trực tiếp đồng chí Chủ tịch Tổng công ty cũng đã đến động viên cùng với đơn vị để giải quyết vấn đề này".
Sau đó ông Minh giới thiệu PV sang làm việc với ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 10 thuộc Tổng công ty 319 – BQP. Đơn vị trực tiếp chỉ đạo thi công để được cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về vụ tai nạn.
Tuy nhiên, ngày 02/8/2017, tại buổi làm việc với PV xung quanh vấn đề liên quan tới vụ tai nạn tại công trường trụ sở EVN Hải Dương, ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 10 không cung cấp thông tin “đầy đủ, chi tiết” như trao đổi của ông Trần Ngọc Minh, Chánh văn phòng Tổng công ty 319 – BQP.
Ông Thịnh cho biết: "Tôi mới chuyển về làm Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 10 thuộc Tổng công ty 319 chừng 02 tháng nên chưa nắm được thông tin chi tiết về gói thầu và vụ tai nạn này". Theo ông Thịnh, đơn vị để xảy ra tai nạn là nhà thầu phụ của Tổng công ty 319 – BQP, công ty HTC.
"Đây là nhà thầu có tiếng, uy tín trên thương trường từ nhiều năm và khi ký hợp đồng nhà thầu phụ chịu trách nhiệm về tính pháp lý, an toàn lao động, chất lượng, tiến độ... Nhà thầu phụ có quy trình sản xuất rất chặt chẽ, công nhân được đào tạo, giám sát, định kỳ kiểm tra về chất lượng lao động. Công ty HTC là đơn vị hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ tai nạn theo hợp đồng đã được ký với Tổng công ty 319 – BQP", ông Thịnh thông tin.
Ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 10 thuộc Tổng công ty 319 – BQP
Tuy nhiên, khi PV đề xuất được tiếp cận hợp đồng này để có thông tin chi tiết, phản ánh khách quan vụ việc thì ông Thịnh từ chối với lý do đây là “thông tin mật”.
Ông Thịnh cũng khẳng định Tổng công ty 319 – BQP đã nhiều lần yêu cầu công ty HTC báo cáo chi tiết vụ việc tai nạn trên nhưng tới thời điểm hiện tại công ty HTC vẫn chưa có báo cáo gửi Tổng công ty 319 – BQP. Do đó ông không thể cung cấp thông tin chi tiết liên quan tới vụ tai nạn được và đề nghị PV liên hệ với ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Giám đốc, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng trụ sở Điện lực Hải Dương để có thông tin chi tiết về vụ việc.
Ngay chiều ngày 02/8/2017, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 10 thuộc Tổng công ty 319 – BQP, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng trụ sở EVN Hải Dương để có thông tin chi tiết về vụ việc.
Khi được PV hỏi những thông tin cụ thể về 02 công nhân gặp nạn tại công trường trụ sở EVN Hải Dương, một người tử vong, một người được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện hiện nay đã được giải quyết chế độ chính sách ra sao? Sức khỏe của người bị thương thế nào, đang điều trị tại bệnh viện nào? Ông Phụng hỏi lại PV: “Anh lấy thông tin một người tử vong, một người bị thương ở đâu? Tôi là chỉ huy trưởng công trường, tôi và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương cùng Cơ quan điều tra, các cơ quan chức năng đang phối hơp điều tra, làm rõ vụ việc. Do đó, thông tin cũng chưa thể chính xác được".
Hiện trường hố thang máy nơi xảy ra tai nạn
Trao đổi về vấn đề công ty HTC sử dụng lao động thời vụ, không có hợp đồng lao động để thi công công trình dẫn tới xảy ra tai nạn tại công trường, ông Phụng khẳng định: “Tôi không biết 02 lao động bị thương vong trong vụ tai nạn là lao động thời vụ hay không nhưng công ty HTC là thương hiệu lớn. Họ phải làm đầy đủ và phải có hợp đồng lao động với công nhân”.
Theo ông Phụng: “Các hạng mục khác của công trình xây dựng trụ sở EVN Hải Dương vẫn đang được tiếp tục thi công bình thường. Ngoại trừ hạng mục thi công thang máy của Công ty HTC bị đình chỉ thi công sau khi xảy ra tai nạn”.
Hé lộ thông tin về nhà thầu phụ - Công ty HTC
Sau rất nhiều lần liên hệ qua điện thoại và trực tiếp tới đặt lịch làm việc với đơn vị để xảy ra tai nạn là nhà thầu phụ của Tổng công ty 319 – BQP, công ty HTC có trụ sở tại địa chỉ 16/8 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) nhưng PV đều bị từ chối với lý do “Lãnh đạo của công ty đều đang đi vắng", PV báo Công lý tiếp tục kiên trì tìm đến công ty HTC với mong muốn sẽ có thêm thông tin chi tiết về vụ tai nạn và cũng để tìm hiểu thêm thông tin về công ty được các cán bộ của Tổng công ty 319 – BQP hết lời ca ngợi là “thương hiệu lớn”, là “ nhà thầu có tiếng, uy tín trên thương trường từ nhiều năm”.
Thực tế theo quan sát của PV và từ những thông tin của chị Đinh Thị Hiền, nhân viên văn phòng Công ty HTC cung cấp, trụ sở Công ty là một căn hộ gia đình cũ kỹ, rộng vài chục mét vuông, có 4 tầng nằm trong một ngõ hẹp. Công ty có tổng số lao động là 20 người, khi nào công trình thi công nhiều thì công ty sẽ sử dụng các lao động thời vụ bên ngoài.
Công ty HTC là loại hình công ty TNHH (công ty gia đình) do bà Nguyễn Thị Thanh Hương là Giám đốc. Hiện bà Hương đang ở nước ngoài nên PV không thể liên hệ được, còn ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc công ty là người trực tiếp phụ trách gói thầu thang máy tại trụ sở EVN Hải Dương. Chị Hiền cho biết, nếu cần liên hệ làm việc, PV gọi điện cho ông Dũng vì ông đi công tác thường xuyên không có ở cơ quan.
Trụ sở Công ty HTC, nhà thầu có 02 công nhân bị tai nạn
Chiều 03/8/2017, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty HTC. Ông Dũng cho biết: “Ngày 02/8/2017, chúng tôi có cuộc họp tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương với tất cả các bên liên quan gồm Sở LĐ-TB&XH, cơ quan Công an, Tổng công ty 319 - BQP, Chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương), công ty tư vấn giám sát để đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn".
Theo văn bản “Khai báo tai nạn lao động” của Công ty HTC với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương ngày 21/7/2017 ghi rõ: “Tóm tắt diễn biến hậu quả vụ tai nạn: ông Nguyễn Văn Thạch (sinh 14/10/1990) và ông Phùng Văn Tiến (sinh năm 1991) “là công nhân thời vụ vào làm việc tại Công ty cổ phần thang máy và Đầu tư HTC vào khoảng ngày 17/7/2017. Vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 18/07/2017” (nghĩa là chỉ sau 01 ngày vừa được tuyển dụng), 02 công nhân đang trên sàn thao tác gặp tai nạn".
Về việc sử dụng 02 lao động bị tai nạn có đảm bảo đúng các quy định pháp luật về Luật lao động như tuyển dụng, hợp đồng lao động, đào tạo, an toàn lao động trong quá trình thi công không? Ông Dũng khẳng định: “Hôm qua (02/8/2017), chúng tôi đã có một biên bản rất rõ ràng về việc này. Biên bản này khác với văn bản “Khai báo tai nạn lao động” đã gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương ngày 21/7/2017. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương đã thành lập Đoàn thanh tra làm việc với tất cả các bên liên quan và sẽ đưa ra kết luận cụ thể về vấn đề sử dụng lao động thời vụ này. Chỉ một hai ngày nữa sẽ có toàn bộ kết luận để cung cấp cho báo chí.”
Dư luận không khỏi bức xúc bởi một vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến một người tử vong, một người bị thương nặng nhưng Chủ đầu tư, nhà thầu chính đều dồn hết trách nhiệm cho nhà thầu phụ. Còn nhà thầu phụ thì lãnh đạo luôn “vắng mặt” không cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của người bị thương cũng như các chế độ chính sách của 02 nạn nhân với lý do chờ kết luận của các cơ quan chức năng.
Mong rằng các cơ quan chức năng sớm công bố kết luận thanh tra, điều tra vụ tai nạn theo đúng quy định pháp luật để các cơ quan báo chí rộng đường dư luận, chuyển tải tới bạn đọc cả nước.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Điều 115 Luật Xây dựng đã quy định rất rõ về “An toàn trong thi công xây dựng công trình” và trách nhiệm này thuộc về cả chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình. Cụ thể: “Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng. Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người. Nhà thầu thi công xây dựng phải đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng” |