Vụ Su-24 bị bắn hạ: S-400 đến Latakia đẩy nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm tại Syria tăng cao?

Minh Thi| 26/11/2015 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyết định mang “thanh gươm bén” của Nga tới căn cứ không quân ở Syria làm gia tăng đáng kể “mối quan ngại” đối với quân đội Mỹ, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 25/11 cho biết.

Sau vụ máy bay ném bom của Nga bị 2 chiếc F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào sáng 24/11 với cáo buộc Su-24 “xâm phạm không phận”, Tổng thống Putin đã chỉ trích hành động này là “đâm lén sau lưng” bằng cách “đồng lõa với bọn khủng bố”. Căng thẳng chính trị Moscow - Ankara (vốn bất đồng quan điểm trong vấn đề Syria) tiếp tục leo thang.

Vụ Su-24 bị bắn hạ: S-400 đến Latakia đẩy nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm tại Syria tăng cao?

Hình ảnh máy bay Su-24 của Nga bốc cháy sau khi bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

Moscow: S-400 đưa tới Syria để bảo vệ lực lượng Nga

Trong bối cảnh đó, Điện Kremlin tuyên bố tập trung ưu tiên thực hiện 3 việc: Tăng cường an ninh phòng không của Nga ở Syria; Các cuộc tấn công phải được tiến hành với sự yểm trợ của chiến đấu cơ; Chấm dứt liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi quyết định sử dụng uy lực chiến hạm Moskva (Moscow) - được mệnh danh soái hạm của Hạm đội Biển Đen, người đàn ông thép của nước Nga tiếp tục thông qua đề xuất triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Syria.

Vụ Su-24 bị bắn hạ: S-400 đến Latakia đẩy nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm tại Syria tăng cao?

Hệ thống tên lửa phòng không S-400

Theo đó, S-400 Triumf (tên hiệu NATO: SA-21 Growler) sẽ có mặt tại căn cứ không quân Hmeymim ở thành phố Latakia, phía tây bắc Syria, nhằm tăng cường khả năng phòng không toàn diện cho đơn vị Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đang tham gia chiến dịch chống IS đồn trú nơi đây.

Với tầm bắn khoảng 400km, S-400 có thể nhắm trúng những mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc gây ra mối đe dọa tiềm ẩn cho các chiến đấu cơ thuộc lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu tại Syria. Và trong cuộc cạnh tranh giành ưu thế quân sự trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại mặt trận Syria, đây có thể sẽ là “một yếu tố nguy hiểm khác” cho Mỹ.

AFP dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên nhận định về S-400 như sau: “Đó là một hệ thống vũ khí có khả năng gây ra mối đe dọa đáng kể cho bất cứ quốc gia nào”. Theo ông, trong trường hợp Nga triển khai S-400 tới Syria, thì đó sẽ là mối quan ngại đáng kể đối với chiến dịch không kích của Mỹ tại đây.

Mỹ lo ngại mất vị thế quân sự tại Syria

Thực tế, vị thế của Mỹ trong chiến dịch chống IS ở Syria đã từng được nhắc đến trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 04/11 vừa qua. Khi ấy, chính Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce đã tỏ ra khá thất vọng trước kết quả của chiến dịch không kích mà liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành. Ông so sánh “tương quan” hai chiến dịch và cho rằng, máy bay Mỹ đã ném bom ít hơn 8 lần so với máy bay Nga, nhưng chi phí lại nhiều hơn gấp 4 lần.

Trong khi đó, chiến dịch không kích của lực lượng liên quân Mỹ đã diễn ra hơn 1 năm, thì Nga mới bắt đầu chính thức tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại mặt trận Syria.

Cụ thể, sau quyết định không kích nhằm tiêu diệt “ung nhọt” IS ở Iraq vào tháng 8/2014, tháng 9 cùng năm, Lầu Năm Góc mở rộng chiến dịch triển khai ném bom oanh tạc các mục tiêu do IS kiểm soát tại Syria. Và hơn một năm sau, tối 30/9/2015, đáp lại yêu cầu của đương kim Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chiến đấu cơ Nga thực hiện trận không kích mở màn ở quốc gia Trung Đông này.

Vụ Su-24 bị bắn hạ: S-400 đến Latakia đẩy nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm tại Syria tăng cao?

Việc Nga mở chiến dịch không kích ở Syria khiến Mỹ lo ngại. Đây là hình ảnh ghi lại cuộc không kích của chiến đấu cơ Nga được Bộ Quốc phòng Nga công bố

Trong khi phương Tây một mực cho rằng, mục tiêu mà Moscow nhắm đến chính là lực lượng đối lập chính quyền Damascus chứ không phải IS, thì nhiều thông báo cùng với các đoạn video mà Bộ Quốc phòng Nga cung cấp có vẻ như là bằng chứng xác thực nhất cho tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin. Không chỉ có vậy, những đợt oanh kích gần đây, ngoài chiến đấu cơ của Nga còn có sự tham gia của Iran - đồng minh của Nga, và đặc biệt là lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) - một nhánh của phe đối lập chính quyền Tổng thống Assad.

Việc máy bay Nga “góp mặt” ở Syria từng khiến Mỹ lo ngại có thể sẽ dẫn đến va chạm với chiến đấu cơ của lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu sau đó đã được “giải quyết” bằng một thỏa thuận về an toàn bay (trên không phận Syria). Tuy nhiên, quyết định triển khai “thanh gươm bén” S-400 của Nga ngày hôm qua lại làm dấy lên mối lo ngại mới với Lầu Năm Góc.

AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng, S-400 “không nên” gây ảnh hưởng đến các chuyến bay mà liên minh quốc tế chống IS của Mỹ thực hiện. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không can thiệp đến các hoạt động của người Nga, và họ sẽ không can thiệp đến hoạt động của chúng tôi. Chẳng có lý do gì để chúng ta trở thành mục tiêu của nhau”.

Kịch bản cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” có xảy ra?

Một ngày sau vụ Su-24, tức là ngày hôm qua, chiến đấu cơ Nga đã tiến hành không kích ồ ạt tỉnh Aleppo, phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất 3 người thiệt mạng, nhiều xe chở đồ viện trợ và hàng hóa để bán bốc cháy, theo thông báo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR).

Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman cho rằng, mục tiêu của đợt oanh tạc lần này là nhằm vào những chuyến xe chở hàng tiếp viện. “3 người thiệt mạng, 6 người bị thương, hầu hết là lái xe tiếp viện” là thông tin mà ông tiết lộ với AFP.

Với câu chuyện về số phận 2 viên phi công lái chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi: Cơ trưởng khi vừa tiếp đất bằng dù thì đã bị phiến quân giết chết. Thậm chí, Reuters còn nhận được đoạn video từ nhóm phiến quân ở phía Tây Bắc Syria, trong đó là hình ảnh viên phi công đầu tiên bị thương nặng, nằm bất động trên mặt đất; xung quanh là những tay súng đến từ các nhóm phiến quân khác nhau.

Phi công thứ hai, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, đã được giải cứu và trở về căn cứ Hmeymim an toàn, song trước đó cũng bị các tay súng nổi dậy truy lùng ráo riết. Còn chiếc trực thăng của Nga tham gia chiến dịch tìm kiếm phi công này bị phiến quân bắn cháy bằng tên lửa dẫn đường TOW do Mỹ chế tạo và cung cấp cho phe đối lập ở Syria từ năm 2013.

Vụ Su-24 bị bắn hạ: S-400 đến Latakia đẩy nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm tại Syria tăng cao?

Mỹ từng bị cáo buộc là "đổ dầu vào lửa" nội chiến Syria bằng việc cung cấp tên lửa TOW cho lực lượng đối lập

Kịch bản ở đây là gì? Khu vực phía Tây Bắc Syria chính là địa bàn hoạt động của các nhóm đối lập, trong đó có cả lực lượng FSA. Trong khi đó, ngày 06/11, tại Hội nghị lần thứ 38 của UNESCO diễn ra ở Paris, trong bài phát biểu về tình hình bạo lực ở Trung Đông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ngầm ám chỉ đến sự “tiếp tay” của Mỹ và một số nước đồng minh - thông qua viện trợ vũ khí, tài chính - cho các lực lượng đối lập chống phá quân đội chính phủ Assad và Không quân Nga. Vậy thì việc các tay súng nổi dậy sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công máy bay Nga liệu có đẩy nội chiến Syria trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai cựu thù trong Chiến tranh lạnh?

Phải nhấn mạnh rằng, một thời gian ngắn sau khi Nga mở chiến dịch không kích ở Syria, các chuyên gia đã lo ngại xung đột Syria có thể biến chuyển và dẫn đến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở quốc gia Trung Đông này.

Ông Stephen D. Biddle - nhà nghiên cứu lịch sử, một nhà phân tích chính trị, và một chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ - nhận định rằng, ở Syria có nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm chứ không chỉ riêng giữa Nga và Mỹ. Còn John McLaughlin, học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul H. Nitze (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins từng đánh giá: Hiện không có cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga - Mỹ, nhưng tình hình rất căng thẳng và “có thể đi theo hướng đó”.

“Chiến tranh ủy nhiệm”, theo định nghĩa của  Stephen D. Biddle, là “dù đứng ngoài, nhưng lại thúc đẩy chiến tranh bằng việc sử dụng các vũ khí của mình”. Như vậy, việc Nga liên tục triển khai các hệ thống vũ khí tối tân như tuần dương hạm Moscow và hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Syria có thể xem là yếu tố thúc đẩy một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở đây?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Su-24 bị bắn hạ: S-400 đến Latakia đẩy nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm tại Syria tăng cao?