Đến trưa 17/12, với sự tham gia của phía công binh Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, công tác cứu hộ trong vụ sập đường hầm công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo đang được đẩy nhanh và triển khai thêm phương án để giải cứu các nạn nhân.
Trong cả buổi sáng, lực lượng cứu hộ đã đưa gỗ và sắt vào gia cố phần mái và hai bên thành đường hầm để tránh sập thêm. Do phía trên đỉnh đồi, tại vị trí sập hầm đã tạo ra một hố sâu khoảng 10m, đường kính rộng 15m, khiến lượng đất đá tiếp tục dồn xuống thêm, gây khó khăn cho việc khoan, đào để đưa ống thoát hiểm qua đoạn hầm bị sập.
Trong khi đó, phía bên trong đoạn hầm nơi 12 công nhân đang bị mắc kẹt nước đang dâng lên cao khoảng 1m nên lực lượng cứu hộ buộc phải thêm phương án thoát nước để bảo đảm an toàn cho các nạn nhân.
Có mặt tại hiện trường, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết tỉnh đang tập trung tất cả cho công tác cứu hộ, cứu nạn; quan trọng nhất là việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các công nhân đang gặp nạn.
Bí thư Tỉnh ủy đã họp với lực lượng chức năng và thống nhất phương án đưa máy bơm vào để thoát nước trong đường hầm, đồng thời cho khoan thêm phía đầu bên kia đường hầm để làm đường thoát xả nước, bùn ra ngoài.
Thông tin từ Ban chỉ huy công trình đường hầm thủy điện Đa Dâng- Đa Chomo cho biết, vụ sập hầm xảy ra vào lúc 7 giờ sáng16/12. Hầm bị sập là đường hầm xuyên núi, dùng để dẫn nước đến nhà máy phát điện, có chiều dài khoảng 700m.
Vị trí hầm bị sập cách cửa hầm gần 500m. Vào thời điểm sự cố xảy ra có 32 công nhân đang ở trong đường hầm để chuẩn bị thi công hầm; trong đó 20 người ở phía ngoài đã kịp thoát thân, còn lại 12 công nhân (có 1 nữ) đã vào sâu bên trong hơn 600m bị mắc kẹt lại.