Đời sống

Vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long là sự cố mức A

Nguyên Thảo 07/04/2023 - 20:33

Vụ rơi trực thăng Bell 505 tại vịnh Hạ Long được xác định là sự cố mức A (tai nạn hàng không), do đây là vụ việc có thiệt hại về máy bay và con người.

Liên quan đến việc điều tra vụ trực thăng Bell 505 gặp nạn tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, căn cứ vào Luật Hàng không dân dụng 2006 và Luật Hàng không dân dụng sửa đổi 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành và phụ ước 13 của Công ước về hàng không dân dụng quốc tế (Công ước Chicago) về điều tra tai nạn máy bay, Cục Hàng không Việt Nam phân loại vụ trực thăng Bell 505 số đăng ký VN-8650 gặp nạn là tai nạn mức A (có thiệt hại về người và tàu bay).

cuuo.jpeg
Lực lượng chức tổ chức cứu hộ, cứu nạn vụ máy bay trực thăng rơi xuống biển

Do vậy, việc điều tra thực hiện theo Điều 106 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị trình Chính phủ tiến hành công tác điều tra tai nạn theo các quy định trên với sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan và quốc gia thiết kế, quốc gia chế tạo, nhà sản xuất máy bay, sản xuất động cơ máy bay.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, sau khi xảy ra vụ tai nạn trên, nhà sản xuất máy bay Bell Helicopter và Ủy ban An toàn vận tải Canada đã gửi thư đến Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hỗ trợ, cử đại diện tham gia điều tra nguyên nhân tai nạn.

Thông tin thêm về vụ tai nạn này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước khi xảy ra vụ trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long, Công ty Trực thăng miền Bắc khai thác 2 máy bay Bell 505 có số đăng ký là VN-8650 và VN-8651. Các máy bay được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt. 2 trực thăng này đã có 682 giờ bay chở khách du lịch với hơn 7.000 lượt hành khách.

Máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 bị tai nạn có tổng số giờ bay tính đến lúc rơi là 488 giờ. Trực thăng này đã có 2.655 lần cất/hạ cánh. Còn phi công lái trực thăng gặp nạn có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026.

Về điều kiện thời tiết, khí tượng khi xảy ra tai nạn, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời điểm xảy ra sự việc, tầm nhìn đạt từ 6-8km; nhiệt độ 26 độ C, hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt.

Trước đó, ngày 5/4, máy bay Bell 505 do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển chở 4 khách du lịch thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao. Máy bay cất cánh lúc 16h56 phút, đã mất liên lạc sau đó khoảng 15 phút. Sau 3 ngày tìm kiếm, thi thể 5 nạn nhân đã được tìm thấy.

Sự cố hàng không mức A là mức cao nhất trong thang đo 5 mức được Cục Hàng không quy định.

Các mức còn lại gồm

- Mức B (sự cố nghiêm trọng),

- Mức C (sự cố uy hiếp an toàn cao),

- Mức D (sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn) và

- Mức E (vụ việc không uy hiếp an toàn nhưng ảnh hưởng đến dịch vụ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long là sự cố mức A