Mặc dù khẳng định sẽ làm rõ, xử lý nghiêm, nhưng gần 2 năm trôi qua, VP đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP.HCM vẫn chưa giải quyết đơn tố cáo của công dân. Quá bức xúc, bà Đinh Thị Lụa tiếp tục gửi đơn tố VPĐKĐĐ vi phạm Luật tố cáo, bao che sai phạm cấp dưới.
Đầu năm 2016, bà Đinh Thị Lụa (ngụ phường 9, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh) liên tục gửi đơn tố cáo ông Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12, ký nhiều văn bản giải quyết mâu thuẫn, vi phạm pháp luật đất đai khi đăng ký chuyển nhượng sang tên quyền sử dụng khu đất hơn 1.600m2 thuộc thửa 54, đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12.
Khu đất trên đang xảy ra tranh chấp, khi biết ông Trần Đình Thuận (ngụ Tp. Vũng Tàu) ký hợp đồng ngày 17-11-2009, nhận chuyển nhượng khu đất trên từ vợ chồng ông Vũ Châu Tuấn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, bà Lụa liên tục làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Ngày 2-12-2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an có công văn 547CV-/C16 (P5) đề nghị tạm dừng toàn bộ các giao dịch dân sự liên quan đến thửa đất nêu trên.
Ngày 13-11-2014, ông Phạm Văn Tùng ký văn bản 6938/VPĐK-ĐKBĐ gửi ông Trần Đình Thuận xác định: Chưa thể giải quyết hồ sơ của ông Thuận, đồng thời yêu cầu ông Thuận liên hệ với Cơ quan CSĐT Bộ Công an để biết thêm thông tin. Tuy nhiên, đến ngày 16-6-2015, ông Tùng lại mâu thuẫn với văn bản của mình trước đó, ký duyệt sang tên chủ quyền khu đất cho ông Thuận. Bà Lụa đã làm đơn tố cáo ông Tùng về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Kèm đơn tố cáo, bà Lụa đưa ra nhiều văn bản để chứng minh ông Tùng biết rõ khu đất trên đang có tranh chấp, khiếu nại, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc. UBND quận 12 vẫn chưa tổ chức thanh tra toàn diện việc cấp Giấy chứng nhận H01875/17 theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thì chưa thể sang tên chủ quyền. Xử lý đơn bà Lụa, từ tháng 3/2016, lãnh đạo VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh đã có văn bản thông báo “khi có kết quả giải quyết” sẽ thông tin đến công dân.
Khu đất ông Tùng ký duyệt sang tên chủ quyền
Luật Tố cáo quy định rất rõ “thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo”. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Lụa chờ mòn mỏi suốt gần 2 năm qua nhưng vẫn không nhận được kết luận giải quyết tố cáo đối với ông Tùng. Đối chiếu với quy định pháp luật cho thấy VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh không thực hiện đúng, “ngâm” kéo dài khiến bà Lụa bức xúc, cho rằng có dấu hiệu bao che sai phạm cho ông Tùng.
Quá bức xúc trước sự vô cảm và cách giải quyết bất thường trên, ngày 22-1-2018, bà Đinh Thị Lụa đã đến VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu phải làm rõ. Ông Lê Thành Phương, Phó giám đốc VPĐKĐĐ cùng hai cán bộ tiếp xúc với bà Lụa. Biên bản làm việc thể hiện: “VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh đang xem xét, giải quyết các đơn thư của bà Lụa. Đến ngày 29-1-2018, VPĐKĐĐ sẽ có văn bản trả lời đến bà”.
Việc VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh “ngâm” kéo dài đơn tố cáo của bà Đinh Thị Lụa đã thể hiện rõ, khi bị công dân phản ứng tận nhiệm sở mới làm việc và tiếp tục “hứa” trả lời. Cách giải quyết của VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh thể hiện rõ dấu hiệu vi phạm Luật Tố cáo về thời hạn giải quyết; không đảm bảo đúng trình tự theo Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30-9-2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo.
Bà Đinh Thị Lụa bức xúc: Pháp luật quy định rất cụ thể về việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và việc công khai kết luận nội dung tố cáo. Thế nhưng, cán bộ có trách nhiệm tại VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh đã không tuân thủ suốt gần 2 năm qua. Mục đích của việc “ngâm” kéo dài là gì? Vì sao che chắn cho những sai phạm của ông Tùng? Những câu hỏi nêu trên cần phải được làm rõ bởi quá trình báo Công lý xác minh thông tin, ngày 28-6-2016, đại diện VPĐKĐĐ Tp. Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm giải quyết là làm rõ, xử lý khách quan, không bao che. Đã đến lúc VPĐKĐĐ “nói phải đi đôi với làm” để thể hiện sự công tâm, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực theo đúng quy định pháp luật.