Sự việc bác sĩ gốc Việt David Dao, 69 tuổi bị hãng United Airlines ép rời khỏi máy bay bằng bạo lực vào ngày 9/4 đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả thế giới.
Hãng hàng không Mỹ United Airlines tiếp tục hứng chịu sự chỉ trích trên khắp thế giới về vụ ngược đãi một hành khách.
Theo đó, hành khách David Dao, một người châu Á gốc Việt đã bị an ninh sân bay kéo lê ra khỏi ghế để nhường chỗ cho 4 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay bị bán vé vượt quá số hành khách.
Vụ việc sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã thu thu hút nhiều người xem và gây phẫn nộ trên toàn cầu. Nhiều người đã chỉ trích kịch liệt và yêu cầu tẩy chay hãng hàng không United Airlines.
Chỉ trong ngày 11/4, hơn 100.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trực tuyến đề nghị Nhà Trắng điều tra vụ hành khách là bác sĩ gốc Việt bị lôi thô bạo khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines cuối tuần trước.
Cùng với đó, hơn 37.000 người đã ký tên trực tuyến, đòi CEO của United Airlines từ chức. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, vụ việc đã thu hút sự chú ý của hơn 480 triệu người.
Nhà chức trách Mỹ, kể cả Tổng thống Trump cũng tỏ ra quan tâm đến sự việc. Từ Nhà Trắng, trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ngày 11/4 (giờ Mỹ), Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định nhà chức trách đang xem xét sự việc và tránh đưa ra bình luận vì "không có thẩm quyền".
Vụ kéo lê hành khách của United Airlines tiếp tục “gây bão“
Tại Thượng viện Mỹ, 29 thượng nghị sĩ Dân chủ, bao gồm cả lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã gây áp lực lên Oscar Munoz - CEO của United Airlines, yêu cầu ông này phải trả lời một loạt câu hỏi về chính sách "cắt khách" (bumping policy) của hãng và mô tả chính xác chuyện gì đã xảy ra trên chuyến bay 3411 ngày 9/4 (giờ Mỹ).
Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã gửi yêu cầu và câu hỏi trực tiếp Cục hàng không Chicago. Bộ Giao thông vân tải Mỹ cũng đã mở cuộc điều tra về vụ việc và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie kêu gọi có những quy tắc mới để ngăn chặn tình trạng các hãng hãng hàng không cố ý đặt dư chỗ trên các chuyến bay.
Trong khi đó, từ đồi Capitol - nơi đặt lưỡng viện Quốc hội Mỹ, nhiều nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích hành động của United Airlines đối với ông David Dao. Chủ tịch Ủy ban Giao thông vận tải Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Bill Shuster nói, ông thấy "khó chịu" khi xem đoạn video, sự việc đã bị xử lý "quá tệ" và cho rằng nó "hoàn toàn có thể tránh được" nếu khéo léo hơn.
Giám đốc điều hành hãng United Airlines, ông Oscar Munoz sau thái độ thờ ơ ban đầu khi nói rằng vụ việc hành khách bị kéo ra khỏi máy, la hét và bị thương xảy ra là do “lỗi hệ thống”. Nhưng hôm qua 11/4, ông Oscar đã ra tuyên bố xin lỗi hành khách David Dao. Ông cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng điều gì đã xảy ra và có báo cáo muộn nhất vào ngày 30/4.
Trong tuyên bố của mình, CEO Oscar Munoz bày tỏ: "Tôi cảm thấy bối rối trước sự việc đã xảy ra và gửi lời xin lỗi sâu sắc đến vị hành khách bị ép buộc rời khỏi máy báy cũng như toàn thể hành khách có mặt trên chuyến bay". Ông khẳng định hãng United Airlines sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và sửa chữa sai lầm nhằm đảm bảo không tái diễn vụ việc tương tự.
Ông Munoz cũng đang phải chịu sức ép từ các cổ đông phải cải thiện chất lượng hoạt động của hãng, trong đó có quan hệ với khách hàng. Bởi đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, hãng này dính “phốt” và gây bão mạng. Cuối tháng 3, quyết định của nhân viên của hãng từ chối cho 2 cô gái mặc quần leggings lên máy bay cũng gây ra sự phản ứng dữ dội.
Hiện, ông David Dao vẫn đang điều trị tại một bệnh viện ở Chicago. Ông David Dao và gia đình cảm ơn sự quan tâm, động viên và ủng hộ của tất cả mọi người. Mặc dù, Giám đốc điều hành hãng United Airlines đã trực tiếp xin lỗi, nhưng ông David Dao và gia đình ông vẫn kiên quyết khởi kiện đến cùng.
Được biết, ông Stephen Golan và ông Thomas A. Demetrio, hai luật sư nổi tiếng của Mỹ sẽ làm đại diện pháp lý ông David Dao.