Nhiều chuyên gia luật có cùng quan điểm nhìn nhận, việc 20 xe ô tô bị chọc thủng lốp khi đỗ ở vỉa hè Hà Nội gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh khu vực. Cơ quan Công an cần nhanh chóng điều tra, làm rõ động cơ mục đích của hành vi phá hoại và xác định thiệt hại của các chủ xe để xử lý nghiêm minh theo luật.
Sáng 10/4 hàng loạt ô tô để trên vỉa hè bờ hồ Linh Đàm đối diện với tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) bất ngờ bị chọc thủng lốp trong đêm khiến người dân hoang mang, bức xúc, đặc biệt là các chủ xe.
Bước đầu xác định, có khoảng hơn 20 xe ô tô bị thủng lốp, trong đó có một số xe bị chọc thủng cả hai lốp, vết rách to. Ước tính thiệt hại ban đầu của các chủ xe là không hề nhỏ.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Hoàng Liệt, phối hợp với Công an quận Hoàng Mai xuống trực tiếp hiện trường thu thập các thông tin liều quan để điều tra.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết vụ việc trên có dấu việc của việc hủy hoại, phá hoại, hư hỏng tài sản của người khác.
Theo luật sư Hòe, phá hoại tài sản là hành vi cố ý làm cho tài sản của người khác bị hư hại, giảm giá trị hoặc mất giá trị sử dụng hoặc khó có khả năng khôi phục lại. Hành vi này được thể hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như: đập phá đồ đạc, đốt cháy đồ, cố tình để mặc tài sản của người khác bị hỏng.
Tuỳ thuộc vào động cơ, mục đích hành vi và hậu quả các mà các đối tượng xấu trên có thể bị lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dẫn chứng các tình huống pháp lý liên quan, luật sư Hòe nêu quan điểm: Trong trường hợp thiệt hại của tất cả các chủ xe dưới 2.000.000 đồng thì các đối tượng xấu trên có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu cụ thể là chi trả tiền sửa chữa lốp xe cho các chủ xe bị hại.
Nếu cơ quan chức năng điều tra làm rõ thiệt hại của các chủ xe gây ra từ 2.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng và cao nhất đên 20 năm theo quy định Điều 178 Bộ luật hình sự 2015
“Ngoài ra thiệt hại các chủ xe dưới 2.000.000 đồng các đối tượng trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu các đối tượng trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và đặc biệt gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, chuyên gia luật cho hay.
Đồng tình quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thị Huế, Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng vụ việc hàng loạt xe ô tô bị thủng lốp khi đỗ ở vìa Hè Hà Nội có dấu hiệu vi phạm hình sự rõ rệt.
Tuy nhiên, cần chờ kết quả định giá về thiệt hại chính thức của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ xử lý đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, căn cứ theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản: Nếu gây ra thiệt hại từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng thì có thể bị xử phạt đến 7 năm tù; trường hợp gây hậu quả thiệt hại từ 200 triệu trở lên có thể bị phạt tù đến 10 năm và mức phạt cao nhất có thể đến 20 năm nếu thiệt hại từ 500 triệu trở lên.
Trường hợp chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, tức là gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo đó, người gây thiệt hại có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng về hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân”.