Vụ học sinh đánh nhau ở Hà Nội: Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung

Đỗ Việt| 19/02/2020 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau một ngày xét xử, chiều 18/2, TAND huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung liên quan đến vụ án học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn chuyện bị nói xấu trên Facebook.

Đánh nhau vì bị nói xấu trên Facebook

Theo cáo trạng của VKSND huyện, khoảng 19h30 phút ngày 3/2/2019, tại khu vực gần trường THCS Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội), Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Thu Trà, Đào Thanh Hương, Nguyễn Bích Thùy, Nguyễn Thị Kim Oanh (đều SN 2004, trú tại xã Tam Hiệp) gặp  Đỗ Thị Hòa (SN 2003, trú tại xã Hiệp Thuận) để nói chuyện về việc Hòa nói xấu Quỳnh trên Facebook.

Tại đây, Hòa với Quỳnh xảy ra xô xát dẫn đến đánh nhau. Trong lúc Hòa và Quỳnh đang đánh nhau, Trà vào căn ngăn, túm tóc Hòa kéo ra. Cùng thời điểm Thùy chạy vào đẩy Hòa và Quỳnh ra nên cả hai không đánh nhau nữa. Sau đó, Trà phát hiện bị đau ở tay nên chạy ra chỗ xe đạp điện của Hương đỗ gần đó bật đèn để xem vết thương thì thấy bị chảy máu, đồng thời phát hiện cả Quỳnh và Thùy cũng bị thương ở vùng mặt. Thấy vậy Hương và Oanh đã đưa mọi người vào trạm y tế xã sơ cứu.

Khi sự việc xảy ra, Đỗ Thị Hòa cũng được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng thăm khám, do vết thương ở phần mềm nên xin về nhà điều trị.

Vụ học sinh đánh nhau ở Hà Nội: Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung

Quang cảnh phiên tòa

Kết luận giám định pháp y số 509/- TTPY ngày 12/6/2019 của Trung tâm Pháp y Hà Nội đối với Nguyễn Thị Như Quỳnh (SN 2004) về việc xô xát, đánh nhau tối ngày 3/2/2019 xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe 15%. Cụ thể, sẹo vết thương phần mềm vùng chán, thái dương và tai trái ảnh hưởng thẩm mỹ 11%; Các sẹo vết thương phần mềm khác vùng vai trái, ngực trái và hõm nách trái và hai tay 0.5 %. Kết luận giám định cũng cho biết các thương tích trên nhiều khả năng là do vật có cạnh sắc gây nên.

Cáo trạng của VKSND huyện Phúc Thọ cáo buộc bị cáo Đỗ Thị Hòa đã có hành vi dùng dao rọc giấy, là hung khí nguy hiểm gây thương tích làm tổn hại 15% sức khỏe của người dưới 16 tuổi”. Căn cứ vào lời khai của bị hại và những người tham gia tố tụng có trong hồ sơ, VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hòa mức án 12-15 tháng tù treo.

Nhiều lời khai mâu thuẫn

Tại phiên tòa, lời khai của bị cáo, bị hại những người có quyền lợi liên quan đều mâu thuẫn nhau. Trước Tòa, bị cáo Hòa khẳng định không dùng hung khí để đánh Quỳnh và nhóm bạn của Quỳnh. Hòa khai nhận, từ việc Hòa nói xấu bạn trai của Quỳnh trên Facebook, dẫn hai người tranh cãi và thách thức nhau. Khi gặp nhóm bạn của Quỳnh tại cổng trường THCS Hiệp Thuận thì bị Quỳnh dùng tay đẩy vào vai, sau đó cả hai lao vào đánh nhau. Tuy nhiên, Nguyễn Như Quỳnh khẳng định khi xảy ra xô xát, Hòa dùng vật sắc nhọn tấn công dẫn đến bị thương tích 15%.

Trong khi đó, Hương, Oanh, Thùy, Trà  ban đầu thừa nhận Hòa có dùng vật sắc nhọn giống dao tấn công Quỳnh, tuy nhiên sau đó lại thay đổi lời khai cho rằng thời điểm Quỳnh và Hòa xảy ra xô xát đánh nhau, trời tối hai bên giằng co túm tóc nên không nhìn thấy ai có hung khí.

Đáng chú ý, tại phiên tòa Nguyễn Thị Kim Oanh khai đã giao nộp cho cơ quan điều tra 3 bức ảnh thể hiện việc việc Hòa dùng dao rọc giấy tấn công Quỳnh. Oanh khai đã gửi ảnh qua Facebook cho Quỳnh, Trà, Thùy, tuy nhiên, nội dung bức ảnh không rõ ràng, người trong ảnh không xác định được đó là Hòa.

Tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đỗ Thị Hòa) cho rằng căn cứ buộc tội Hòa của VKSND Huyện Phúc Thọ là thiếu căn cứ, chỉ vào lời khai của bị hại, người làm chứng và những người liên quan.

Luật sư Thanh phân tích, xuất phát từ việc bị nói xấu trên Facebook, Quỳnh rủ nhóm bạn tổng cộng 5 người từ xã Tam Hiệp đến xã Hiệp Thuận gặp Hòa “nói chuyện”. Viện KSND căn cứ vào lời khai của nhóm người này để làm căn cứ buộc tội là không khách quan, bởi thực chất 5 lời khai của bị hại và những người làm chứng là một. Vì tất cả các học sinh này đều tham gia, có cháu chứng kiến vụ việc đánh nhau.

Mặt khác, kết luận giám định thể hiện thương tích của Quỳnh nhiều khả năng do vật sắc nhọn gây nên. Đây là chứng cứ quan trọng, tuy nhiên, bản kết luận giám định không khẳng định đây là con dao rọc giấy. Căn cứ nào để cáo trạng cho rằng Hòa dùng dao rọc giấy? Con dao này có trên thực tế không? Thương tích của Quỳnh có phải do dao gây ra hay không? Cơ chế hình thành vết thương như thế nào? Các bức ảnh Oanh gửi cho cơ quan điều tra chưa được làm rõ nguồn gốc, thời gian chụp? Một loạt các vấn đề được luật sư Thanh nêu tại phiên tòa chưa được làm sáng tỏ.

Trước việc VKSND đề nghị HĐXX phạt bị cáo Hòa mức án 12-15 tháng tù treo, luật sư Thanh cho rằng, bản cáo trạng và kết luận điều tra của cơ quan Công an huyện Phúc Thọ chỉ nghiêng về phía bị hại để cố tình chứng minh hành vi phạm tội của Hòa. Thế nhưng, việc dùng Facebook để chửi nhau, kích động nhau, thách đố nhau trên cũng không được làm rõ trong bản cáo trạng. Do vậy, việc buộc tội Hòa là không có căn cứ nên đề nghị Tòa trả hồ sơ để làm rõ.

Căn cứ kết quả xét hỏi việc tranh luận tại phiên tòa, HĐXX xét thấy, còn thiếu các chứng cứ để chứng minh nguyên nhân, điều kiện phạm tội, xác định chính xác hành vi của bị cáo, bị hại, những người có liên quan, và có phát sinh một số vấn đề mới tại phiên tòa nên quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKSND huyện đều tra bổ sung đề nghị làm rõ việc  Quỳnh, Trà và những người đi cùng Quỳnh có nhắn tin trên Facebokk hẹn gặp Hòa với mục đích để đánh Hòa hay không?

Ngoài ra, HĐXX yêu cầu làm rõ nguồn gốc 3 bức ảnh mà Nguyễn Thị Kim Oanh đã giao nộp cho cơ quan điều tra được in rửa ra từ đâu? Xác định thời điểm chụp ảnh? Ảnh chụp hay cắt từ clip? Cần giám định xem ảnh có bị chỉnh sửa cắt ghép hay không? Người trong ảnh có phải là Hòa hay không?

“Nói dối trước pháp luật”

Trong suốt  quá trình xét hỏi và tranh tụng, đủ để kết luận rằng sự thật khách quan chỉ có một nhưng bị cáo, bị hại và những người liên quan đã khai hoàn toàn khác nhau. Như vậy chắc chắn có một bên đã nói dối. Việc nói dối này không phải là nói dối trong sinh hoạt thông thường, không phải nói dối trong bạn bè chơi đùa, hay nói dối với cha mẹ. Mà đây là nói dối trước pháp luật. Với độ tuổi học sinh, việc thực hiện hành vi nói dối trước pháp luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách phát triển của các cháu sau này. HĐXX cho rằng trách nhiệm của những người lớn, của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục các cháu, đóng vai trò rất quan trọng. Bởi đây là giai đoạn không phải các cháu còn quá bé không nhận thức được vấn đề nhưng chưa đủ lớn để có bản lĩnh cân nhắc quyết định về việc làm của mình”. Thẩm phán, Chủ tọa Đỗ Thị Minh Loan gửi lời nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh của cả bị cáo và bị hại tại phiên tòa.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ học sinh đánh nhau ở Hà Nội: Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung