Vụ hai người chết tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức: Ai bồi thường cho nạn nhân?

Đỗ Việt| 26/12/2016 18:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư, nếu bác sỹ gây mê thực hiện không đúng quy trình dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, pha chế thuốc…Ngoài ra, các bác sỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Liên quan đến việc hai bệnh nhân tử vong được xác định là Quách Thị P. (37 tuổi) và bệnh nhân Hoàng Văn T. (34 tuổi) đều ở Hà Nội sau khi được gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, Sở Y tế đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật của các cá nhân tham gia 2 kíp mổ để phục vụ công tác điều tra.

Vụ hai người chết tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức: Ai bồi thường cho nạn nhân?

Bệnh viện Đa khoa Trí Đức 

Theo báo cáo của Bệnh viện Trí Đức, bệnh nhân Quách Thị P. vào viện và được chẩn đoán bị đau 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật cắt u 2 thùy tuyến giáp. Kíp mổ cho bệnh nhân Quách Thị P. gồm: bác sỹ Mai Văn Viện (bác sỹ mổ); bác sỹ Chu Đức Khánh (gây mê), Mai Hợp Lộc (Kỹ thuật viên gây mê), Vũ Thị Phương Thảo (dụng cụ viên), Nguyễn Thị Liên (dụng cụ viên).

Khoảng 8h15 phút ngày 25/12, bệnh nhân được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solume/drol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị nhưng đã tử vong.

Kíp mổ cho bệnh nhân Hoàng Văn T. được chẩn đoán nội soi xoang -. cắt amidal gồm bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dinh  (BS mổ chính), bác sỹ Đỗ Thị Liên (BS gây mê), Phan Thị Hương (KVT gây mê), Lê Thị Vân Hồng (dụng cụ viên), Bùi Thị Kim Oanh (dụng cụ viên).

Khoảng 8h40 phút, bệnh nhân được Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê), sau 15 phút sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây có dấu hiệu sốc phản vệ, được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 (Bệnh viện Bạch Mai) nhưng cũng không qua khỏi.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an quận Hai Bà Trưng đã tiến hành niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc và các sổ sách liên quan đến ca gây mê.

Vụ hai người chết tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức: Ai bồi thường cho nạn nhân?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Nhìn nhận về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng tại BV Đa khoa Trí Đức xảy ra trong quá trình gây mê bệnh nhân.

Theo Luật sư Thơm, gây mê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật (mổ), thủ thuật. Nếu bác sỹ gây mê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được qui định tại Thông tư 13/2012/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự 1999.

Ngoài ra, các bác sỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân. Do các bác sỹ gây mê làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, khi hậu quả xảy ra do lỗi của bác sỹ trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo quy định tại các Điều 604, 610 Bộ luật Dân sự 2005.

Ông Thơm phân tích, Bộ luật Hình sự 1999 cũng đã quy định rõ hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi để làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Quy trình khám trước gây mê tại các cơ sở y tế được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 13/2012/TT-BYT ngày 20/8/2012 của Bộ Y tế như sau:

a) Khám trước gây mê để chuẩn bị người bệnh trước khi phẫu thuật, thủ thuật;

b) Khám trước gây mê do bác sỹ gây mê - hồi sức thực hiện tại bộ phận khám trước gây mê hoặc tại khu phẫu thuật hoặc tại khoa có người bệnh phải phẫu thuật, thủ thuật tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tình trạng bệnh lý của người bệnh;

c) Khám trước gây mê được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01 đến 07 ngày trước khi người bệnh được phẫu thuật, thủ thuật (trừ trường hợp cấp cứu);

d) Bác sỹ khám trước gây mê có quyền yêu cầu bổ sung xét nghiệm hoặc tổ chức hội chẩn và phải ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án để thực hiện;

đ) Bác sỹ khám trước gây mê có trách nhiệm thông báo và thảo luận với người thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, người sẽ thực hiện gây mê - hồi sức về các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra liên quan đến gây mê - hồi sức; giải thích về nguy cơ và lợi ích liên quan đến gây mê - hồi sức cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh trước khi ký giấy đồng ý gây mê - hồi sức, phẫu thuật hoặc thủ thuật.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ hai người chết tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức: Ai bồi thường cho nạn nhân?