HĐXX cho rằng, với tư cách là người tham gia xét hỏi các tình mới trong vụ án để có cơ sở pháp lý luận tội các bị cáo một cách thuyết phục, chứ không phải thể hiện quyền của một cơ quan cảnh sát điều tra đang lấy cung các bị cáo.
VKSND tỉnh Hậu Giang giữ quyền công tố từ ủy quyền VKSTC tham gia xét hỏi
Ngày 22/2, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục phiên tòa xét xử đối với 6 bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang (CPLTHG) gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Trong phiên xét xử ngày thứ 3, đại diện VKSND Hậu Giang giữ quyền công tố từ ủy quyền của VKSTC tham gia hỏi các bị cáo trong vụ án. Tại phần này, HĐXX TAND tỉnh Hậu Giang đã phải liên tục nhắc nhở vị đại diện VKS Hậu Giang. HĐXX cho rằng, với tư cách là người tham gia xét hỏi các tình mới trong vụ án để có cơ sở pháp lý luận tội các bị cáo một cách thuyết phục, chứ không phải thể hiện quyền của một cơ quan cảnh sát điều tra đang lấy cung các bị cáo.
Tại phần xét hỏi bị Võ Thị Thu Hà (Công ty Võ Thị Thu Hà), đại diện VKS nhiều lần lặp đi lặp việc Công ty Võ Thị Thu Hà hợp thức thủ tục các hợp đồng mua, bán gạo, ký các chứng từ để CTLT Hậu Giang, mặc dù vấn đề này bị cáo Hà đã nhiều lần trả lời trước Cơ quan điều tra và HĐXX.
Bị cáo Võ Thị Thu Hà khẳng định mình không phạm tội như VKSTC truy tố. Bị cáo Hà cho rằng, các hợp đồng mua bán với CTLT Hậu Giang chỉ là các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại thuần túy giữa các bên, thuận mua vừa bán không có dấu hiệu hình sự. Toàn bộ 14 Hợp đồng công ty LTHG mua gạo (trong đó 4 Hợp đồng mua của Thu Hà và 10 Hợp đồng mua của 8 Công ty Vệ tinh) đều do người đại diện hợp pháp của các bên ký trên cơ sở tự nguyện. Các hợp đồng phục vụ cho việc kinh doanh gạo theo chức năng, ngành nghề đã được đăng ký kinh doanh, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không phải là hàng hóa bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Hợp đồng đảm bảo điều kiện có hiệu lực pháp luật. Bị cáo Hà cho rằng việc ký kết hợp đồng là có thật và có đầy đủ chứng cứ chứng minh thời gian ký hợp đồng công ty Hà có hàng để giao theo hợp đồng. Tuy nhiên, CTLT Hậu Giang không nhận hàng, hơn nữa việc chỉ định tám công ty ký hợp đồng là do do Hùng đề nghị tách hợp đồng ra nhỏ như thế, hàng hóa thực chất là cũng của công ty Thu Hà giao.
Riêng bị cáo Hùng cho rằng việc ký 14 hợp đồng với công ty Thu Hà mà bị cáo trạng quy kết là khống, bị cáo cũng không biết cái nào là khống, chỉ khi cơ quan điều tra nói thì bị cáo mới biết là khống, những nhân viên khác càng không thể biết được, phát sinh lúc nào thì làm lúc đó.
Cũng tại phần xét hỏi của VKSND tỉnh Hậu Giang, các bị cáo Việt, Mãi, Thái, cho rằng mình không cố ý làm trái, không phải là đồng phạm của Hùng vì là cấp dưới nên chỉ làm theo sự chỉ đạo của Hùng.
Sau khi tham gia xét hỏi các bị cáo, HĐXX đề nghị đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Hậu Giang đã không đưa ra được những quan điểm, chứng cứ mới để luận tội các bị cáo như cáo trạng đã truy tố.
Chủ tọa phiên toà công bố tạm dừng phiên xét xử trong 5 ngày để VKSND tỉnh Hậu Giang xin ý kiến VKSTC
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang cho rằng, trong quá trình thẩm vấn công khai các bị cáo và những người liên quan tại tòa xét thấy có nhiều vấn đề phát sinh có thể làm thay đổi nội dung cáo trạng. Do đó, đại diện VKS đề nghị Tòa tạm hoãn phiên tòa để VKSND tỉnh Hậu Giang xin ý kiến chỉ đạo từ VKSNDTC.
Trước đề nghị tạm hoãn phiên tòa của VKSND tỉnh Hậu Giang các Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bị cáo đều phản ứng gay gắt, họ cho rằng, đề nghị của VKS không phù hợp và yêu cầu tiếp tục phiên tòa với những phần tiếp theo.
Theo các luật sư, nếu trong trường hợp VKS không có đủ căn cứ buộc tội thì đề nghị rút truy tố hoặc làm giảm truy tố, đặc biệt là các vấn đề được đề nghị trả hồ sơ trước đây nhưng chưa được làm rõ.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Công ty Luật TNHH MTV Viên An thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh người bào chữa cho bị cáo Võ Thị Thu Hà đề nghị HĐXX tiếp tục phiên xử bởi Tòa đã trả hồ sơ nhiều lần, nhưng quan điều tra không chứng minh được. Do đó, luật sư yêu cầu tiếp tục xét xử vụ án theo những nội dung có trong cáo trạng, những vấn đề nào chưa chứng minh thì Tòa xem xét tuyên chưa đủ chứng cứ buộc tội hoặc tuyên vô tội đối với các bị cáo.
Sau khi đề nghị của VKSND tỉnh Hậu Giang, cũng như các quan điểm trình bày của các Luật sư tại phiên tòa, HĐXX áp dụng Điều 251 BLTTHS quyết định cho tạm dừng phiên tòa trong 5 ngày để VKSND tỉnh Hậu Giang xin ý kiến chỉ đạo từ VKSTC.
Chủ tọa phiên tòa nhận định: VKSND tỉnh Hậu Giang chỉ nhận ủy quyền của VKSNDTC. Trong quá trình thẩm vấn các bị cáo tại Tòa phát sinh nhiều tình tiết mới có thể thay đổi cáo trạng nên phải hỏi ý kiến cấp trên. Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 297 BLTTHS để hoãn phiên tòa là không phù hợp. Bởi tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần, việc hoãn phiên tòa và xét xử lại từ đầu thì mất nhiều thời gian, gây khó khăn chung.
Phiên Tòa dự kiến mở lại vào ngày 27/2.