Cùng với trung tâm thương mại, các trung tâm thể thao cũng là một mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố. Thế giới đã từng chứng kiến vụ bắt cóc và giết hại 11 vận động viên Israel tại Olympic Munich 1972.
Chính vì thế mà khi tổ chức Olympic tại Atlanta vào năm 1996, nước Mỹ đã tung gần như toàn bộ lực lượng vào việc kiểm soát an ninh. Thế nhưng, một vụ đánh bom kinh hoàng vẫn xảy ra.
Kỳ 1: Vụ nổ kinh hoàng
Chiếc ba lô chứa bom
Mùa hè năm đó, cả thành phố Atlanta trở nên vô cùng cuồng nhiệt. Hàng trăm ngàn người đổ về đây để tận hưởng “bữa tiệc thể thao”. Nhiều cuộc thi thể thao diễn ra tại Sân vận động trung tâm Olympic, nơi được thiết kế và xây dựng đặc biệt cho Thế vận hội. Sân vận động trung tâm Olympic có tới gần 60.000 cây xanh, với hàng ngàn mét vuông trải thảm cỏ.
Ngày 27/6/1996, khoảng 50.000 người đang say sưa với buổi trình diễn âm nhạc tại khu AT&T Global thì một quả bom đã phát nổ khiến 2 người thiệt mạng và 111 người bị thương. Trước khi quả bom phát nổ, đường dây nóng 911 đã nhận được hai cuộc điện thoại của thủ phạm cảnh báo về vụ nổ này. Sau khi quả bom phát nổ, tên khủng bố đã trốn thoát.
Trước đó vào lúc 12 giờ, một nhân viên an ninh tên Richard Jewell, 33 tuổi, chú ý tới một kẻ có bộ dạng bẩn thỉu đeo một chiếc ba lô màu xanh tiến gần tới sân khấu. Ngay lập tức, Richard chỉ hắn cho đặc vụ Tom Davis đang đứng ở gần đó. Daivs gọi đồng đội thông báo về kẻ khả nghi. Rất nhiều chuyên gia thuốc nổ liên bang lao tới khu vực.
Cầu nguyện cho nạn nhân vụ đánh bom tại Thế vận hội mùa hè Olympic Atlanta năm 1996
Các nhân viên an ninh đã nỗ lực đưa chừng 75 - 100 người ra khỏi khu vực bị tình nghi. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi phần nhiều trong số này đang trong trạng thái say xỉn và không hợp tác. Hơn nữa, việc đưa một đám đông quá lớn ra khỏi nơi nguy hiểm không phải là việc dễ dàng. Nỗi sợ hãi có thể khiến cho đám đông dẫm đạp lên nhau và hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả một vụ nổ. Vì thế, nhóm đặc vụ mới chỉ cố gắng đưa những người đang ở gần chiếc ba lô bị tình nghi rời đi càng nhanh càng tốt. Tới 13 giờ 20 phút, đám đông gần chiếc ba lô đã được di chuyển. Một vài người nghĩ rằng những hành động này là một phần của buổi diễn.
Khi quả bom phát nổ, những mảnh vỡ rơi tứ tung. Xe cứu thương và xe cảnh sát lao tới hiện trường. Công viên trung tâm nhanh chóng đóng cửa và các nhân viên an ninh ngăn không cho giới truyền thông tiếp cận hiện trường. Mọi nỗ lực đều dành cho việc cứu người bị thương.
Từ anh hùng trở thành nghi phạm
Ngay sau vụ đánh bom, Richard Jewell trở thành người hùng của nước Mỹ bởi anh là người đầu tiên phát hiện ra điều bất thường và cảnh báo với nhiều người khác. Cảnh báo của Richard đã cứu rất nhiều người. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau đó, tờ The Atlanta đã có bài viết đưa ra khả năng Richard chính là người đã đặt bom. Từ một anh hùng, Richard bất ngờ trở thành nghi phạm.
Các chuyên viên điều tra của FBI đã thẩm vấn Richard, nhiều câu hỏi liên quan được đặt ra. Richard yêu cầu luật sư riêng cho mình. Anh cho rằng mình đang bị xúc phạm và khẳng định mình vô tội. Ngày 31/7/1996, căn hộ của của Richard đã bị khám xét để tìm manh mối nhưng không có bất cứ điều gì liên quan tới vụ đánh bom được tìm ra. Rất đông các phóng viên và nhà báo cũng có mặt để đưa tin. Tháng 8/1966, hai nạn nhân của vụ đánh bom là Lorenzo Espinosa và Nancy Davis đã nộp đơn kiện Richard. Ngày 20/8, chuyên viên FBI đã nghỉ hưu Rackleff Dick được mời vào đội điều tra đã đưa ra nhận định Richard đã nói dối những chuyện liên quan đến vụ đánh bom.
Sau một thời gian điều tra, ngày 23/10, Tòa án tối cao tuyên bố Richard không liên quan đến vụ đánh bom. Tháng 11/1996, đơn kiện của Espinosa và Davis bị bác bỏ. Tháng 8/1997, Bộ trưởng Bộ tư pháp Reno đã công khai xin lỗi Richard và nói rằng báo chí đã vội vã đưa thông tin Richard là nghi can khi cuộc điều tra chưa được tiến hành.
Một năm sau, tháng 5/1998, Richard lại trở thành người hùng khi cứu một em nhỏ thoát khỏi bạo hành của chính cha mẹ sau khi trở lại với công việc cảnh sát tại Luthersville, Georgia.
Luật sư của Richard đã đệ đơn kiện The Atlanta lên Tòa án Georgia vì đã đưa tin Richard là nghi phạm của vụ đánh bom. Tòa án Georgia tuyên bố các tờ báo không có trách nhiệm trong vụ này.
(Còn nữa)