Vụ cướp tiền ở Ngân hàng Brink năm 1950 là vụ án mà FBI đã phải dồn toàn lực điều tra suốt 6 năm mới đưa được thủ phạm ra ánh sáng.
Theo lời báo chí nước Mỹ lúc bấy giờ, thì đây được coi là vụ cướp ngân hàng lớn nhất, hoàn hảo nhất. Không cần nổ một tiếng súng, không khiến ai mất một giọt máu, chỉ sau câu nói ngắn ngủi “Đây là cướp có vũ khí”, 7 tên cướp đeo mặt nạ đã nhanh chóng vét khoảng 2,7 triệu USD ra khỏi ngân hàng Brink chỉ trong 17 phút.
Chiếc mũ tài xế mà một tên cướp bỏ lại.
Vào 19h30’ ngày 17/1/1950, một nhóm đàn ông đeo mặt nạ Halloween, tay lăm lăm vũ khí xuất hiện tại tòa nhà số 165 phố Prince ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ). Chúng kéo theo nhiều bao đựng hơn 1,2 triệu USD tiền mặt và rất nhiều séc, phiếu gửi tiền và chứng khoán trị giá hơn 1,5 triệu USD. Bọn chúng vừa thực hiện xong “vụ cướp ngân hàng Brink khó tin”.
Sau khi chúng đi khỏi, nhân viên của Brink gọi điện tới Sở cảnh sát Boston. Chỉ sau vài phút, cảnh sát đã có mặt ở tòa nhà ngân hàng. Các đặc vụ của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã nhanh chóng vào cuộc.
Khi cảnh sát đến hiện trường, các điều tra viên chỉ tìm thấy vài bằng chứng nhỏ gồm một sợi dây thừng, cuộn băng dính dùng để buộc và bịt miệng nhân viên ngân hàng Brink, và chiếc mũ tài xế mà một tên cướp bỏ lại.
Các nhân viên ngân hàng cũng cho biết, họ thấy có khoảng 5 đến 7 tên cướp, hầu hết đều mặc áo khoác kiểu hải quân, đeo găng tay, đội mũ tài xế. Mặt tên nào cũng được che kín bằng mặt nạ Halloween. Để không gây ra tiếng động, bọn chúng đi giày đế crepe và giày cao su.
Trong quá trình thực hiện vụ cướp, băng cướp cũng hầu như không nói gì. Chúng di chuyển chính xác theo sự tính toán từ trước, cho thấy vụ cướp đã được lên kế hoạch và nghiên cứu kỹ lưỡng, thậm chí còn được tập dượt trước đó hàng tháng trời.
Họ cũng cho biết thêm băng cướp cũng lấy mất bốn khẩu súng lục. Đặc điểm và số seri bốn khẩu súng đã được cảnh sát ghi lại cẩn thận vì đây có thể là đầu mối giá trị giúp tìm ra băng cướp.
Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Không biết bằng cách nào, bọn cướp đã mở được ít nhất ba hoặc bốn cửa bị khóa để vào tầng thứ hai tòa nhà ngân hàng Brink. Lúc đó, chỉ có khoảng năm nhân viên đang trực ca đêm với nhiệm vụ là kiểm tra và cất tiền của khách hàng gửi vào hôm đó.
Cả năm người đều bị bọn chúng khống chế bằng họng súng, buộc phải nằm sấp trên sàn. Tay họ bị buộc quặt ra sau lưng, miệng bị dán băng dính. Trong khi băng cướp nhét chiến lợi phẩm vào bao thì tiếng còi vang lên. Bọn cướp gỡ băng dính khỏi miệng một nhân viên để hỏi thì được biết rằng tiếng còi đó báo hiệu có người tìm cách vào khu vực hầm. Người bấm còi là một nhân viên làm việc ở gara. Do nhận thấy người này rõ ràng không để ý thấy có vụ cướp nên bọn chúng đã bỏ qua.
Chỉ vài giờ sau vụ cướp, các điều tra viên đã “xới tung” thế giới ngầm để tìm băng cướp. Những tên lưu manh khét tiếng ở Boston đều bị triệu tập và thẩm vấn. Không chỉ ở Boston, tội phạm ở các thành phố khác cũng bị “vạ lây”. Cảnh sát tập trung thẩm vấn mọi hoạt động của bọn chúng trong khoảng thời gian xảy ra vụ cướp.
Vị trí ngân hàng Brink trên phố Prince ở Boston
Nhưng do ngân hàng Brink nằm ở nơi đông dân cư nên cảnh sát đã tốn rất nhiều thời gian thẩm vấn nhằm xác định những người có thể cung cấp thông tin hữu ích về vụ cướp. Họ còn kiểm tra toàn bộ nhân viên đã và đang làm việc tại Brink cũng như những nhân viên của các công ty khác cùng tòa nhà với ngân hàng.
Không dừng lại đó, ngay cả người bán hàng, người đưa thư hoặc bất kỳ ai biết về đường đi lối lại bên trong hoặc thời gian hoạt động của Brink đều nằm trong tầm ngắm của cảnh sát.
Cùng với quá trình thẩm vấn, các điều tra viên cũng tập trung thu thập thông tin liên quan đến số tiền mặt và chứng khoán bị cướp. Khách hàng của Brink được cảnh sát liên hệ để lấy thông tin, từ loại giấy gói tiền cho đến mọi dấu hiệu riêng mà khách hàng để lại trên tờ tiền và chứng khoán.
Để đẩy nhanh cuộc điều tra, cảnh sát đã treo thưởng 100.000 USD cho ai cung cấp thông tin có thể giúp bắt thủ phạm vụ cướp. Hàng triệu người Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến vụ cướp, họ sốt sắng cung cấp cho FBI đủ mọi loại thông tin, nhưng tất cả đều dẫn đến ngõ cụt.