Vụ Công ty Thành Bưởi kiện báo Giao thông: Tòa có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đỗ Việt| 29/03/2017 17:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc TAND quận 5 TP.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của Công ty TNHH Thành Bưởi và ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phù hợp với quy định của pháp luật.

Vụ việc Công ty TNHH Thành Bưởi (có địa chỉ tại 266 – 268, Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5 TP.HCM) khởi kiện báo Giao thông (Cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải) ra TAND quận 5 TP.HCM  vì cho rằng báo này viết bài sai sự thật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Có thông tin cho rằng, TAND quận 5. TP.HCM ban hành Quyết định trái pháp luật. Nhằm giúp bạn đọc có cái đa chiều về trình tự tố tụng và tình chất vụ việc PV  đã ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia pháp lý về vấn đề này.

Vụ Công ty Thành Bưởi kiện báo Giao thông: Tòa có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Vụ kiện giữa báo Giao thông và DN Thành Bưởi vẫn chưa có hồi kết

Thẩm phán được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để xem xét vụ việc

Theo luật sư Trương Anh Tú, (Đoàn luật sư Hà Nội) việc Công ty TNHH Thành Bưởi khởi kiện Báo Giao thông vì cho rằng các  báo viết bài có nội dung không chính xác, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Thành Bưởi, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín của Thành Bưởi thì phía doanh nghiệp này hoàn toàn có quyền đề nghị áp dụng biện pháp Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định theo khoản 12 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

Luật sư Tú phân tích, công ty TNHH Thành Bưởi là pháp nhân khởi kiện một pháp nhân khác là Báo Giao thông, do đó khi đã tiến hành khởi kiện công ty TNHH Thành Bưởi có quyền yêu cầu áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 BLTTDS, căn cứ của quyền đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này được quy định tại Điều 111 BLTTDS.

Đánh giá về việc cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định, luật sư Trương Anh Tú cho rằng Thẩm phán của TAND quận 5 chấp nhận đề nghị của Công ty Thành Bưởi bởi đây là vụ án dân sự. Nội dung là “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín”.  Ngoài ra, Thành Bưởi khởi kiện báo Giao thông vì các bài báo về đề tài “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho nhà nước”. Do đó, trước khi Tòa án phân định tính đúng sai của các nội dung những bài báo nhắm vào hoạt động kinh doanh của Thành Bưởi, thì cần có biện pháp để báo Giao thông  tạm ngừng đưa tin về vụ việc để không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và quyền lợi ích hợp pháp của Thành Bưởi không bị tiếp tục bị ảnh hưởng trong quá trình vụ án còn đang được giải quyết.

Quyết định của TAND quận 5 là đúng luật

Nhìn nhận về tính chất pháp lý của vụ việc, Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo các điều luật được viện dẫn trong Quyết định số 72/QĐ-BPKCTT thì TAND quận 5, TPHCM có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đương sự (Công ty Thành Bưởi) yêu cầu bởi đây là vụ án dân sự, chứ không phải vụ án hình sự nên không có quá trình điều tra.

Do báo Giao thông đăng tiếp các hành vi cùng loại đối với hành vi bị kiện bởi nguyên đơn, nên có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp được. Tuy nhiên,  hành vi này chỉ được áp dụng nếu có quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền vì vậy áp dụng biện pháp đối với hành vi cùng loại với hành vi đang bị nguyên đơn kiện hoàn toàn có căn cứ để áp dụng.

Trường hợp không nhất trí với ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí vẫn phải đăng, phát ý kiến phản hồi đó và có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình...

Như vậy, khi đăng phát một thông tin gây tranh cãi, cơ quan báo chí nghĩa vụ phải đăng tải những ý kiến phản hồi đồng thời có quyền thông tin tiếp cũng như đưa ra các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình. Pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm cơ quan báo chí đăng tải thông tin cải chính hoặc phản hồi khi Toà án đã và đang thụ lý giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, khi thụ lý vụ việc, nếu xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nào đó thì Tòa án hoàn toàn có quyền. Tuy nhiên, trường hợp này, TAND quận 5 quyết định áp dụng biện pháp buộc báo GTVT không được tiếp tục đăng tải tin bài liên quan đến những nội dung đang tranh cãi thì cũng đồng nghĩa với việc cấm cơ quan báo chí đó đăng bài làm rõ quan điểm của mình.

Vì sao Tòa hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp?

Trong khi vụ việc đang được giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi, đã gửi đơn đến TAND Quận 5  TP.HCM đề nghị rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông. Theo Công ty TNHH Thành Bưởi, việc rút đơn này dựa trên cơ sở phía doanh nghiệp đã gửi đơn yêu cầu báo Giao thông đăng ý kiến phản hồi của Công ty Thành Bưởi theo quy định tại điều 43, Luật Báo chí 2016.

Sau khi Công ty Thành Bưởi nộp đơn rút yêu cầu, Chánh án TAND Quận 5 đã ra quyết định hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Qua xem xét vụ việc, một thẩm tra viên thuộc TANDTC cho biết, Điều 138, Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định:

1. Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;…

Như vậy, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của công ty TNHH Thành Bưởi (bên khởi kiện) trong trường hợp trên là có cơ sở. Việc Thẩm phán TAND quận 5 TP.HCM phụ trách xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thành Bưởi chấp nhận yêu cầu trên và ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 139 BLTTDS thì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay, nên báo không được quyền tiếp tục đăng bài nữa (nghĩa vụ chấp hành các quyết định của Tòa án).

 Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có quyền khiếu nại yêu cầu đến Chánh án TAND nơi ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hủy bỏ quyết định nói trên, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.

Tóm tắt vụ việc:

Thời gian qua, báo Giao thông đăng tải một số bài viết với nội dung công ty TNHH Thành Bưởi (Doanh nghiệp Thành Bưởi) né nhiều loại phí, thuế mỗi ngày.

Sau đó, doanh nghiệp Thành Bưởi đã khiếu nại, khởi kiện ra TAND quận 5. TP.HCM vì cho rằng các bài viết của báo Giao thông là không chính xác.

Trong khi Tòa án đang thụ lý, xem xét giải quyết vấn đề thì báo Giao thông vẫn tiếp tục đăng bài. Sau khi xem xét vụ việc, TAND quận 5 đã ra Quyết định số 72/QĐ-BPKCTT, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với báo Giao thông.

Sau đó, Báo Giao thông đã có văn bản khiếu nại quyết định 72 của TAND quận 5 vì cho rằng vi phạm nghiêm trọng điều 4 Luật Báo chí về nhiệm vụ của báo chí: “tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Ngày 28/3, Công ty TNHH Thành Bưởi đã gửi đơn đến TAND quận 5  TP.HCM đề nghị rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông. Sau khi công ty Thành Bưởi nộp đơn rút yêu cầu, Chánh án TAND Q.5 đã ra quyết định hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Công ty Thành Bưởi kiện báo Giao thông: Tòa có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời