Theo luật sư Dũng, phía Tân Hiệp Phát chưa giải thích nguyên nhân vì sao con ruồi có trong chai nước, chưa đánh giá chất lượng an toàn của sản phẩm đối với sức khoẻ người tiêu dùng mà đã giả vờ chấp nhận yêu cầu để “đánh úp” cho thấy hành vi “tàn nhẫn”.
Liên quan đến vụ việc “Con ruồi giá 500 triệu trong chai nước Number One”, ngày 5/2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã có quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo nội dung vụ việc, ngày 3/1, trong lúc lấy chai nước ngọt khui bán cho khách, anh Minh (chủ một quán cơm) phát hiện bên trong chai nước tăng lực Number One có con ruồi. Sau đó, anh Minh liên hệ phía nhà sản xuất là Công ty Tân Hiệp, đơn vị này đã cử người đến gặp khách hàng.
Chủ quán cơm ra giá cho sự “im lặng” là… 1 tỉ đồng, nếu không sẽ cung cấp cho báo chí và in 5.000 tờ rơi phát tán. Sau khi thỏa thuận, phía công ty Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho người này 500 triệu đồng. Tuy nhiên khi giao tiền thì công an ập vào bắt quả tang.
Cách hành xử chưa đúng mực
Theo luật sư Trần Anh Dũng, Giám đốc công ty luật Đại Phúc cho biết, trước hết, để làm rõ hành vi của anh Võ Văn Minh có phải là tội phạm hay không cần phải nhìn nhận, đánh giá vụ việc một cách khách quan, dựa trên quy định của Bộ luật hình sự và Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Luật sư Trần Anh Dũng, công ty luật Đại Phúc
Luật sư Dũng cho rằng, dưới góc độ của pháp luật hình sự: Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự thì hành vi “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” là các dấu hiệu cấu thành tội Cưỡng đoạt đoạt tài sản. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và số tiền chiếm đoạt được mà người phạm tội sẽ bị xử phạt ở mức án nặng, nhẹ khác nhau.
Theo đó, đối chiếu quy định của Bộ luật hình sự với hành vi của anh Võ Văn Minh có thể thấy, trong trường hợp này anh Minh không đe doạ dùng vũ lực đối với ai trong Công ty Tân Hiệp Phát để đòi tiền, nhưng anh Minh lại có hành vi đe dọa cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là đe dọa in tờ rơi để phát tán nhằm mục đích ép Công ty Tân Hiệp Phát phải trả cho anh số tiền 1 tỷ đồng sau “thương lượng” xuống còn 500 triệu đồng. Như vậy là hành vi của anh Võ Văn Minh có dấu hiệu cấu thành tội phạm cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, dưới góc độ của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, anh Võ Văn Minh là người tiêu dùng sản phẩm nước uống Number One của Công ty Tân Hiệp Phát. Vì vậy, anh Minh có các quyền: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng sản phẩm nước uống này; Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mặt khác, khi phát hiện sản phẩm nước uống này không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng anh Minh có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
Luật sư Dũng nhấn mạnh, tại Điều 31 và Điều 23 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Mặt khác “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật…” (Điều 23).
Như vậy, có thể thấy trong vụ việc này cả phía anh Võ Văn Minh và Công ty Tân Hiệp Phát đều có cách hành xử chưa đúng mực.
Phía Tân Hiệp Phát chưa làm rõ nguyên nhân "con ruồi trong chai Number One" (hình minh họa)
Tân Hiệp Phát chưa làm rõ “con ruồi trong chai Number One”
Nhìn từ góc độ pháp lý, theo luật sư Dũng, phía anh Minh cũng có những quyền nhất định mà pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định nhưng anh Minh cũng chưa đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại do nước uống kém chất lượng gây ra cho mình và xã hội để yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường mà lại dùng chai nước gặp sự cố đó cùng những lời đe doạ có những việc làm nhằm hạ uy tín của doanh nghiệp (cung cấp thông tin cho báo chí, in, phát tán tờ rơi về vụ việc) để gây sức ép buộc Công ty Tân Hiệp Phát phải trả cho anh một số tiền khổng lồ để đổi lấy sự im lặng của anh cho thấy động cơ, mục đích tống tiền doanh nghiệp của Võ Văn Minh là khá rõ ràng.
Phía Công ty Tân Hiệp Phát thì chưa làm rõ nguyên nhân vì sao con ruồi có trong chai nước, chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm đối với sức khoẻ người tiêu dùng để có biện pháp khắc phục hậu quả mà đã giả vờ chấp nhận yêu cầu để “đánh úp” cho thấy hành vi “tàn nhẫn”.
Theo quy định tại Điều 60 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gồm: Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại; Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người. Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. |