Do phần tranh tụng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi kéo dài, phiên tòa đã được quyết định tiếp tục trong 2 ngày 25 và 26/5.
Hôm nay (24/5) trong ngày xét xử thứ 7 vụ án trên đối với các bị cáo Hà Văn Tiên (SN: 1969) nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Tây, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB dự án Thủy điện Đăkdrinh; Nguyễn Anh Dũng (SN: 1956) nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây; Lê Khắc Tâm Anh (SN: 1970) nguyên Cán bộ Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Dung; Nguyễn Vỹ Cường (SN: 1983) nguyên cán bộ Địa Chính – Xây dựng xã Sơn Dung và Trần Minh Việt (SN: 1986) nguyên cán bộ Địa Chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Long đã kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa bắt đầu chuyển sang phần tranh tụng.
Các bị cáo trước tòa
Trong phần tranh tụng, đại diện của VKSND tỉnh Quảng Ngãi một lần nữa khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng, Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường và Trần Minh Việt đã đủ căn cứ để xác định các bị cáo trên phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự, khi cho rằng: đối chiếu với các quy định của pháp luật thì các đối tượng đã nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp ở 3 xã Sơn Dung, Sơn Liên và Sơn Long đều không thuộc diện được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Vì đối tượng được nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp phải là người đang sử dụng đất, thuộc diện được giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã được giao đất hoặc nhận chuyển nhượng, tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật khi nhà nước thu hồi thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, trong khi đó các đối tượng đã nhận chuyển đổi nghề nghiệp ở 3 xã này đều không thuộc diện này.
Mặc dù biết được các quy định của nhà nước về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị nhà nước thu hồi đất, nhưng ông Tô Cước (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkdrinh - đã chết) đã chỉ đạo thực hiện chủ trương khi lập phương án thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường về đất chuyển đổi nghề nghiệp.
Thống nhất với chủ trương này, các bị cáo Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng đã trực tiếp triển khai chủ trương quy về chủ cũ tại các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long. Đồng thời, cùng với Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt là cán bộ địa chính của các xã nói trên xác nhận cho các hộ gia đình đã chuyển nhượng đất trước đó, cũng không còn trực tiếp sản xuất trên đất đó để được nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp.
Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất mức án đối với các bị cáo
Các bị cáo biết được việc làm này là sai, tuy nhiên vẫn cố tình xác nhận cho các đối tượng này nhận chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, khi biết Hội đồng bồi thường có chủ trương quy về chủ cũ nên một số người mua sợ sau khi nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp mà chủ cũ không đưa lại cho họ, nên họ lại nhờ một người khác đứng tên và các bị cáo đã thực hiện các thủ tục lập danh sách đưa tên một số người không liên quan gì đến những thửa đất nhưng lại xác nhận họ đang sử dụng đất ổn định để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho họ, nên đã làm thất thoát ngân sách của nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Từ những chứng cứ trên, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất mức án đối với các bị cáo dựa vào tính chất và mức độ phạm tội của từng bị cáo. Theo đó, bị cáo Hà Văn Tiên bị đề xuất mức án từ 7 đến 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Anh Dũng từ 6 đến 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Vỹ Cường và bị cáo Lê Khắc Tâm Anh mỗi bị cáo từ 3 đến 4 năm tù; riêng bị cáo Trần Minh Việt bị đề xuất mức án 3 năm tù, nhưng cho được hưởng án treo.
Phản bác lại bản luận tội của đại diện VKS, Luật sư Hà Vĩnh Phúc, người bào chữa cho bị cáo Hà Văn Tiên không đồng tình với quan điểm của đại diện VKS khi truy tố bị cáo Tiên phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự. Theo Luật sư Hà Vĩnh Phúc, VKS vội vàng kết luận bị cáo Hà Văn Tiên phạm tội là quá vội vàng chưa xác đáng và không có căn cứ do các chứng cứ còn chưa rõ ràng, lời khai còn nhiều mâu thuẫn. Đồng thời, bị cáo Tiên khai tại phiên tòa là chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên chứ bị cáo không có thẩm quyền để quyết định việc này. Bị cáo Tiên chỉ có việc về các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long để triển khai chỉ đạo là quy về chủ cũ theo chỉ đạo. Sau đó, giao lại cho địa chính xã là Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt phối hợp cùng với già làng, trưởng bản nơi đây để xác minh nguồn gốc đất, chủ sở hữu và người đang canh tác trên đất chuyển lên cho bị cáo, rồi bị cáo ký vào các biểu mẫu này để chuyển lên UBND huyện quyết định.
“Nếu UBND xét thấy các biểu mẫu mà bị cáo Tiên đã ký và trình lên có sai phạm khi làm trái với quy định và chỉ đạo của Huyện ủy, UBND thì phải cho dừng lại và kỷ luật bị cáo Tiên thì đã không gây ra việc chi sai đối tượng nhận chuyển đổi nghề nghiệp này. Đằng này, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây lại đồng ý ký để chi tiền cho các đối tượng này, như vậy thử hỏi bị cáo Hà Văn Tiên có làm trái quy định của nhà nước hay không?” Luật sư Phúc nêu.
Theo lịch dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc trong ngày hôm nay (24/5), tuy nhiên trong phần tranh tụng chỉ mới có luật sư Hà Vĩnh Phúc người bào chữa cho bị cáo Hà Văn Tiên tranh luận với đại diện của VKS, vẫn còn 3 luật sư bào chữa cho các báo khác chưa tranh luận, nên HĐXX quyết định phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra trong 2 ngày tiếp theo (ngày 25 và 26/5).