Vụ án chìm ca nô tại Cần Giờ kéo dài gây xôn xao dư luận với thời hạn điều tra kéo dài vượt 10 lần quy định của pháp luật tố tụng.
Ngày 19/4/2017, VKSND TP. Hồ Chí Minh gửi văn bản đến Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu cho biết, vụ án kéo dài do phức tạp, các cơ quan tố tụng có quan điểm khác nhau về vụ án; Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an Tp. Hồ Chí Minh lại vừa đề nghị giải thích kết luận giám định.
Như Công lý thông tin, đây là vụ án được nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu, trong đó có nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC Đinh Văn Quế nhận định, việc truy tố ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Mariana) về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn...” là không có căn cứ, có dấu hiệu oan sai.
Ông Vũ Văn Đảo còn là luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên ngày 10/4/2017, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản số 34/2017/CV-ĐLS đề nghị lãnh đạo VKSND và Công an Tp. Hồ Chí Minh xem xét làm việc với Đoàn luật sư đối với nội dung kêu oan của ông Vũ Văn Đảo.
Đại diện Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bị CQĐT từ chối làm việc
Ngày 19/4, lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên hệ làm việc với VKSND Tp. Hồ Chí Minh. Tại đây, cán bộ VKS đã cung cấp văn bản số 230/VKS-P2 ngày 18/4, nêu rõ một số lý do khiến vụ án kéo dài và phải tạm định chỉ. Theo VKS, đây là “vụ án phức tạp”, quá trình giải quyết, các cơ quan tiến hành “có quan điểm khác nhau”, nên phải trả cho CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung.
Quá trình điều tra bổ sung, CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định và giám định lại, để trưng cầu Bộ Giao thông vận tải giám định đối với ca nô BP 12-04-02 và một số nội dung liên quan khác. Theo VKS, do thời han điều tra bổ sung đã hết nhưng chưa có kết luận giám định, nên ngày 28/8/2015, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Đảo, ông Quyết để chờ kết luận giám định.
Điều đáng nói, ngày 19/11/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã có Kết luận giám định xác định rõ nguyên nhân tai nạn là do ca nô BP 12-04-02 chở quá số người và gặp thời tiết xấu. Đến ngày 29/12/2016, Bộ Giao thông vận tải có tiếp kết luận giám định. Thế nhưng, VKS cho rằng “kết luận giám định lần này cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu nêu trong quyết định trưng cầu giám định lại của CQĐT” (?).
Ngày 08/02/2017 và 13/02/2017, CQĐT lại có các Công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lượng Bộ Quốc phòng và Phòng đăng ký Hải quân để đề nghị giải thích rõ về kết luận giám định; làm rõ về thiết kế của ca nô BP 12-04-02 có đạt tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng hay không và xác định thời điểm mất hiệu lực của giấy đăng kiểm đối với ca nô BP 12-04-02. VKS xác định hiện hồ sơ vụ án đang do CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh thụ lý và đang được tạm đinh chỉ để làm rõ các nội dung liên quan đến kết luận giám định nêu trên.
Ngày 19/4, lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến trụ sở CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh để làm việc theo tinh thần công văn đã gửi cơ quan này trước đó. Tuy nhiên, CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh đã không tiếp và có văn bản khẳng định “không bố trí lịch làm việc theo đề nghị của Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyền cử người bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho thành viên của mình khi... vụ án được phục hồi điều tra (?!)
Luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ sự thất vọng về cách làm việc của cán bộ CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh: “Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, thời hạn điều tra đã hết nhưng CQĐT không chứng minh được các bị can thực hiện tội phạm. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.
Được biết, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật nhận định: Trong vụ án, không có chứng cứ nào đáp ứng được dấu hiệu đặc trưng của tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cũng như không thể hiện được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra.
Các bản kiến nghị đã yêu cầu CQĐT, VKS tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc kéo dài vụ án khi không thể chứng minh được tội phạm không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp nơi ông Đảo công tác mà còn ảnh hưởng tới quyền hành nghề chính đáng của luật sư Vũ Văn Đảo.
Như Công lý đã thông tin, tháng 3/2013, ông Vũ Văn Đảo bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu (loại ca nô cao tốc bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC). Phòng Đăng kiểm Hải quân (đại diện phía Nam, Bộ tư lệnh Hải quân) đã đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Sáng 1/8/2014, ông Tạ Thanh Sơn (Giám đốc kinh doanh Công ty Việt Séc) mượn Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu trên để đưa đón khách. Tối 2/8/2013, tàu BP 12-04-02 bị lật tại vùng biển thuộc huyện Cần Giờ, khiến 9 người tử vong. Ông Đảo và ông Quyết bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn...”. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, VKSNDTC xem xét, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kết quả thực hiện. |