Không một đoạn nào trong Kinh Koran nói rằng, một ai đó không thể vẽ chân dung Nhà tiên tri Muhammad...", Giám đốc Trung tâm Hồi giáo Đan Mạch cho biết.
Người đứng đầu một tổ chức Hồi giáo Đan Mạch cho biết: Mọi người đã “hiểu nhầm” nếu tin rằng Kinh Koran cấm vẽ tranh Nhà tiên tri Muhammad, và rằng lệnh cấm này không áp dụng đối với những người không theo đạo Hồi.
"Không một đoạn nào trong Kinh Koran nói rằng một ai đó không thể vẽ chân dung Nhà tiên tri Muhammad. Trong văn học phương Tây và Hồi giáo, Nhà tiên tri được mô tả bằng tranh vẽ trong suốt nhiều thế kỷ”, ông Fatih Alev - Giám đốc Trung tâm Hồi giáo Đan Mạch, thành viên Mạng lưới Hồi giáo châu Âu, đồng thời là biên tập viên trang Islam.dk phát biểu trên kênh truyền hình Đan Mạch.
Nhiều lời bình luận trái chiều được đưa ra sau vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 07/01. Các tay súng - bị cáo buộc là có liên hệ với tổ chức AQAP (một nhánh của tổ chức Al Qaeda ở bán đảo Arập) tại Yemen - đã “thực hiện sứ mệnh” của mình để trả thù cho hành vi nhạo báng nhà tiên tri của Charlie Hebdo, theo IBTimes.
Một tuần sau vụ nổ súng, tuần báo Charlie Hebdo tiếp tục xuất bản một ấn phẩm đặc biệt với bức hình Nhà tiên tri Muhammad ngay ở trang nhất. Trong bức tranh này, Nhà tiên tri mặc đồ trắng, mắt đẫm lệ, tay cầm khẩu hiệu “Je Suis Charlie” (Tôi là Charlie) - slogan trong cuộc tuần hành khổng lồ trên đường phố Paris với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia trên thế giới, nhằm ủng hộ tinh thần đoàn kết với nước Pháp và sự tự do ngôn luận. Nhưng cũng chính quyết định ra xuất bản phẩm đặc biệt này đã gây nên một “cơn thịnh nộ” trong thế giới Hồi giáo, với các cuộc biểu tình ở khắp Trung Á, châu Phi và Trung Đông.
Biểu tình phản đối Charlie Hebdo
Còn nhớ, vào năm 2005, nhiều cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra ở Trung Đông sau khi tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten xuất bản bức tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad.
Những người Hồi giáo duy trì lệnh cấm vẽ tranh châm biếm Nhà tiên tri của mình nhằm chứng minh đức tin của họ, điều này ứng với các đoạn trong Kinh Koran về việc “chỉ trích sự sùng bái thần tượng”. Song theo Giám đốc Trung tâm Hồi giáo Đan Mạch, người Hồi giáo đã “nhầm lẫn” khi tin rằng, đức tin của họ ngăn cấm tất cả mọi sự mô tả, và rằng sự cấm đoán này chỉ áp dụng đối với người Hồi giáo trong bất kỳ trường hợp nào.
Tuy nhiên, ông Fatih Alev cũng cho rằng, thật “dễ hiểu” tại sao nhiều tín đồ Hồi giáo lại cảm thấy bị xúc phạm bởi những bức tranh biếm họa do Charlie Hebdo và Jyllands-Posten xuất bản. Ông nói: “Trong lịch sử, Nhà tiên tri Muhammad luôn luôn được vẽ lại, nhưng điều mới là vị tiên tri được mô tả bằng “phương thức tiêu cực” với ý định xúc phạm, và đó là lý do tại sao mọi người lại phản ứng mạnh mẽ như vậy”.
Việc vẽ tranh mô tả Nhà tiên tri Muhammad vẫn tồn tại trong cả truyền thống người Hồi giáo Sunni và Shiite. Năm 2008, một bức tranh miêu tả nhà tiên tri đi về Thiên đường đã được vẽ trên tường Tehran (Iran). Và trong suốt cuộc biểu tình chống Chính phủ năm 2012 tại Ai Cập, bức gratiffi được sáng tạo trên đường phố Mohammed Mahmoud của Thủ đô Cairo với bức hình Nhà tiên tri Muhammad trên lưng ngựa.
Bức hình mô tả nhà tiên tri Muhammad đầu tiên đã được thực hiện vào thế kỷ thứ 13 ở Ba Tư. Ông Omid Safi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Duke ở Bắc Carolina nói rằng, những hình ảnh hiến thân của Nhà tiên tri quan trọng đối với đức tin của nhiều người Hồi giáo.
Phát biểu với The Guardian, ông Omid Safi cho biết: “Đối với những người chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh ngoan đạo của Nhà tiên tri Muhammad, thì việc tạo ra một sự khác biệt căn bản giữa hình ảnh huyền bí và đẹp đẽ - đã được tạo ra từ hơn 1.000 năm trước bởi tín đồ Hồi giáo và dành cho những tín đồ Hồi giáo - thực sự rất quan trọng”.