Sau khi Báo Công lý đăng bài: “Thanh Trì - Hà Nội: Xuất hiện hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng trên đất dự án”, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng VP Luật sư Long Tâm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Luật sư, Công ty Bitexco xây dựng hàng loạt công trình nhà xưởng kiên cố, hiện đại trên đất dự án “mượn tạm” của UBND huyện Thanh Trì có vi phạm các quy định pháp luật không?
Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Theo quy định pháp luật hiện hành, Công ty Bitexco đang vi phạm Điểm c, Khoản 1, Điều 107. Điều kiện khởi công xây dựng công trình (Luật xây dựng 2014). Theo đó, công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính (không phải xin phép xây dựng) nhưng nhất thiết Công ty Bitexco phải tuân thủ quy định về khởi công xây dựng là “Thông báo về hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ”.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng với dấu hiệu hành vi vi phạm “Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công”.
Hơn nữa, UBND huyện Thanh Trì với chức năng là cơ quan quản lý đất đai tại địa phương đồng thời là chủ đầu tư dự án cho “mượn tạm” đất mà không nêu rõ diện tích cụ thể cũng cần được làm rõ.
Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).
PV: Theo kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thanh Trì (văn bản số 973/UBND-QLĐT ngày 17/5/2017) nêu rõ: một số đơn vị chưa thực hiện đúng theo yêu cầu của UBND huyện Thanh Trì, chưa cung cấp hồ sơ liên quan đến việc xây dựng các công trình lán tạm cũng như hồ sơ liên quan đến việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy. Như vậy, Công ty Bitexco có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thanh Trì chỉ rõ sai phạm của công ty mượn đất dự án được quy định tại Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình của Luật phòng cháy chữa cháy 2001 (Sửa đổi bổ sung 2013).
Theo quy định tại Điều 36, Điều 39 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì vi phạm của Công ty Bitexco có thể bị xử phạt tiền tới 50 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm cụ thể.
Bên trong một công trình xây dựng trên đất Dự án dùng để kinh doanh đồ chơi trẻ em
Bên cạnh đó như thông tin báo nêu, nếu hàng chục công ty thuê kho, nhà xưởng tại khu đất “mượn tạm” này đồng loạt xả thải trực tiếp ra mương dân sinh, gây ô nhiễm môi trường thì vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường cần được xử lý nhanh chóng, kịp thời tránh tác động xấu đến sức khỏe người dân xung quanh và môi trường chung của Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường tùy theo mức độ hành vi vi phạm cụ thể để áp dụng chế tài xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng.
Một ngách nhỏ đường vào các Công trình xây dựng trên đất Dự án
PV: Thưa Luật sư, Công ty Bitexco được UBND huyện Thanh Trì cho phép “mượn tạm” một phần diện tích đất dự án để làm nhà ở công nhân, bãi đỗ xe, nhà điều hành và vật liệu xây dựng, thiết bị phục vụ thi công dự án chính. Tuy nhiên, hàng chục kho, xưởng đã được ồ ạt xây dựng kiên cố và công khai cho hàng chục công ty khác thuê trên diện tích hàng chục nghìn m2 đất dự án như vậy đã vi phạm quy định nào của pháp luật?
Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Công ty đã vi phạm luật Đất đai, sử dụng đất sai mục đích biến hàng nghìn m2 đất dự án “mượn tạm” thành đất kinh doanh thu lợi bất hợp pháp số tiền không nhỏ. Trường hợp này, thể hiện khá rõ dấu hiệu trốn thuế với danh nghĩa “mượn tạm” để phục vụ công trình chính nhưng lại sử dụng vào mục đích kinh doanh kiếm lời, không nộp thuế cho Nhà nước. Cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ: “Diện tích cho thuê là bao nhiêu? Đã thu được bao nhiêu tiền? Ai chủ trương cho thuê? Tiền thu được sử dụng như thế nào?” để truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan và thu hồi số tiền thu lợi bất chính.
Một góc các Công trình xây dựng trên đất Dự án
Công ty cho các đơn vị khác thuê kho, nhà xưởng có thể bị xử lý về hành vi “Đưa bất động sản không được phép vào kinh doanh theo quy định pháp luật”. Vi phạm về kinh doanh bất động sản theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền Từ 60 -70 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 3 Điều này.
PV: Xin chân thành cảm ơn Luật sư.
Dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An” được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2010. Diện tích sử dụng đất của dự án trên 444.700m2, tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Dự án do UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014. Tổng mức đầu tư dự án trên 803 tỷ đồng (nguồn vốn từ ngân sách TP ứng trước và thu lại từ nguồn đấu giá sử dụng đất của địa phương). Ngày 22/07/2016, Công ty CP Bitexco có văn bản số 227/16/CV-DA/BITEXCO.JSC gửi UBND huyện Thanh Trì và sau đó được UBND huyện Thanh Trì “thống nhất về chủ trương” với đề nghị của công ty Bitexco cho phép “mượn tạm” một phần diện tích đất dự án để làm nhà ở công nhân, bãi đỗ xe, nhà điều hành và vật liệu xây dựng, thiết bị phục vụ thi công dự án chính. Tuy nhiên hiện nay, hàng chục nghìn m2 đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án được xây dựng nhà xưởng cho thuê công khai tới 05 năm. |