Chiều nay (25/1), phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng 7 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) đã bước vào phần luận tội và đề nghị mức án.
Theo đó, vị đại diện của Viện KSND cho rằng, việc chuyển nhượng 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã có sự móc nối, chỉ đạo, thực hiện giữa các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy cùng sự đồng tình của bị cáo Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế nhằm rút tiền chênh lệch, chia nhau.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, theo vị đại diện Viện KSND, trong quá trình điều tra bị cáo đã không thừa nhận việc thỏa thuận, chỉ đạo bán cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế để chia nhau, chiếm đoạt tiền chênh lệch. Tuy nhiên, tài liệu điều tra cho thấy: PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT nắm 14 triệu cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land.
Theo quy chế của người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 402 QĐ - XLDK ngày 21/11/2008 thì Đào Duy Phong (Chủ tịch HĐQT PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (Tổng Giám đốc PVP Land) được Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử - ảnh TTXXVN
Điều này buộc những người đại diện phần vốn góp phải báo cáo, xin ý kiến chấp thuận của HĐQT PVC và Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này và được hưởng số tiền 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi của từng bị cáo, số tiền 14 tỷ đồng, bị cáo Thanh đã trả lại cho bị cáo Thái Kiều Hương nên Viện KSND đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, đại diện Viện KSND nêu rõ: Tại phiên tòa xét xử cũng như trong quá trình điều tra, bị cáo thừa nhận hành vi được Thái Kiều Hương tác động đến Trịnh Xuân Thanh để ủng hộ việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land.
Qua đó bị cáo đã được nhận 5 tỷ đồng và chuyển cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra và qua các lời khai của những bị cáo liên quan, đủ cơ sở xác định bị cáo Đinh Mạnh Thắng biết được 19 tỷ đồng là tiền chênh lệch giá.
Qua tài liệu điều tra và qua lời khai tại phiên tòa có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo đã có sự móc nối để chiếm đoạt số tiền chênh lệch giá. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt số tiền chênh lệch giá, cụ thể: bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng, bị cáo Đào Duy Phong 8 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng, bị cáo Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng.
Tổng cộng, các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng.
Như vậy, các bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản là đúng người, đúng pháp luật.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại phiên tòa xét xử - ảnh TTXVN
Theo vị đại diện của Viện KSND, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, làm cho dự án Nam Đàn Plaza bị trì trệ, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, ảnh hưởng tới lợi ích của Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức của công chức Nhà nước…
Cũng ở phần luận tội, vị đại diện Viện KSND cho rằng trong quá trình xét xử cũng cần căn cứ vào nhân thân, sự thành khẩn khai báo của các bị cáo, có bị cáo đã nộp lại số tiền được hưởng nên đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Từ những nhận định và phân tích nêu trên, vị đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX xử phạt các mức án cụ thể như sau:
Trịnh Xuân Thanh mức án tù chung thân; Đinh Mạnh Thắng mức án 11 - 12 năm tù; Đào Duy Phong 17 - 18 năm tù; Nguyễn Ngọc Sinh 14 - 15 năm tù; Thái Kiều Hương 11 - 12 năm tù; Lê Hòa Bình 9 - 10 năm tù; Nguyễn Thị Kim Thoa 8 - 9 năm tù và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 11 - 12 năm tù.