Vụ án tai nạn cano tại Cần Giờ, TP. HCM: Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn “im ắng”

An Dương| 28/12/2017 08:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ban Nội chính Trung ương vừa có văn bản chuyển đơn của Chi bộ Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh việc một số cán bộ cơ quan CSĐT và VKSND TP. HCM lạm dụng quyền lực, “treo án” vụ chìm cano tại Cần Giờ.

Như Báo Công lý đã thông tin, tháng 3/2013, ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty Việt Séc) bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu (loại ca nô cao tốc bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC). Phòng Đăng kiểm Hải quân (đại diện phía Nam, Bộ tư lệnh Hải quân) đã đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

Sáng 1/8/2014, ông Tạ Thanh Sơn (Giám đốc kinh doanh Công ty Việt Séc) mượn Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu trên để đưa đón khách. Tối 2/8/2013, tàu BP 12-04-02 bị lật tại vùng biển thuộc huyện Cần Giờ, khiến 9 người tử vong. Ông Đảo và ông Quyết bị khởi tố, truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn...”.

Nhiều chuyên gia pháp lý, trong đó có nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC Đinh Văn Quế nhận định việc truy tố về tội danh nêu trên là không có căn cứ, có dấu hiệu oan sai. TAND Tp. Hồ Chí Minh không chấp nhận Cáo trạng, hai lần trả hồ sơ do không đủ căn cứ xét xử. Cơ quan CSĐT lấy lý do giám định phương tiện gây tai nạn tàu BP12-04-02 để tạm đình chỉ. Từ năm 2015 đến nay, dù đã có đến hai bản kết luận giám định của Bộ Giao thông vận tải khẳng định nguyên nhân tai nạn không phải do chất lượng phương tiện hay công nghệ vật liệu mới đóng tàu kém chất lượng nhưng cán bộ thụ lý vẫn “ngâm án” kéo dài.

Vụ án tai nạn cano tại Cần Giờ, TP. HCM: Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn “im ắng”

Thuyền bằng vật liệu PPC do Công ty Việt Séc sản xuất

Ngày 30/11/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản nhận định, về vụ án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: “Bộ Công an thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản số 8370/VPCP-V.I ngày 14/10/2015 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2016; Giao Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra vụ việc này, đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2016.

Như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo cách đây hơn hai năm, lần gần đây nhất đã hơn một năm. Thế nhưng, vụ án vẫn “im ắng” một cách bất thường khiến ông Vũ Văn Đảo, ông Đinh Văn Quyết và Chi bộ doanh nghiệp phải bức xúc kiến nghị, khiếu nại kéo dài.

Chi bộ Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại vừa gửi kiến nghị đến Bộ Công an, VKSNDTC, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh khẩn thiết đề nghị: “Cần thay đổi những người tiến hành tố tụng vụ án nói trên và chỉ đạo mạnh mẽ cán bộ cơ quan CSĐT, VKSND Tp. Hồ Chí Minh nhanh chóng đình chỉ vụ án oan sai đối với hai đảng viên và hai giám đốc doanh nghiệp. Việc để vụ án kéo dài sẽ làm bức xúc dư luận, làm mất uy tín của các cơ quan tổ chức nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức đảng”.

Từ kiến nghị nêu trên, Ban Nội chính Trung ương đã có văn bản số 2051 ngày 20/11/2017 chuyển đơn của Chi bộ Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến VKSNDTC để “chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ án”.

Ngày 18/12/2017, Chi bộ Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi Báo Công lý kêu cứu. Đơn kiến nghị nêu rõ: “Việc “ngâm án, treo án” là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ kiến tạo. Vụ án đã hết thời hạn điều tra từ ngày 4/9/2014 (12 tháng). Thay vì đình chỉ điều tra khi hết thời hạn mà không chứng minh được tội phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 119 Bộ luật TTHS, cán bộ cơ quan CSĐT (PC44) lại cố tình ban hành Bản kết luận điều tra trái pháp luật vào ngày 12/9/2014 (quá thời hạn điều tra 8 ngày) làm cho vụ án bị kéo dài, chưa biết khi nào kết thúc. Việc “treo án” đang gây khó khăn, thiệt hại nặng nề cho ông Đảo, ông Quyết và người lao động trong doanh nghiệp”.

Với việc Ban Nội chính Trung ương chuyển kiến nghị đến VKSNDTC, thiết nghĩ, các cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương cần sớm có chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vụ án nêu trên; chấm dứt sự “im ắng” bất thường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp công dân và sự tôn nghiêm của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án tai nạn cano tại Cần Giờ, TP. HCM: Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn “im ắng”