Vụ án sau giải phóng miền Nam: Xóa sổ tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”

Như Loan| 02/05/2018 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau giải phóng miền Nam, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều tổ chức phản động, trong đó có tổ chức “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” do đối tượng Nguyễn Văn Bảy cầm đầu.

Chân dung đối tượng phản động Nguyễn Văn Bảy

“Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” là tổ chức phản động hoạt động nằm trong “kế hoạch hậu chiến” của đế quốc Mỹ, hòng lật đổ chính quyền còn non trẻ của cách mạng.

Vụ án sau giải phóng miền Nam: Xóa sổ tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”

Để đến được “mật khu” của nhóm phản động lực lượng Công an phải đi bằng thuyền

Theo hồ sơ lưu, Nguyễn Văn Bảy (SN 1964, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) từng được tướng ngụy Ngô Quang Trưởng đánh giá là “con bài chiến lược” cho “kế hoạch hậu chiến” ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Bảy nhiều lần được Ngô Quang Trưởng gặp gỡ, bàn bạc kế hoạch. Bảy còn là sĩ quan tâm lý chiến của địch và tham gia tổ chức Siêu chính trị (Super -  Politique), còn được gọi là “thành phần thứ ba tại Việt Nam”.

Nhận được sự “tín nhiệm” của Ngô Quang Trưởng nên sau ngày miền Nam giải phóng, Bảy đã tập hợp lực lượng để lập ra tổ chức lấy tên là “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” với mục đích nhằm chống phá chính quyền.

Để chính danh, y suy tôn Ngô Quang Trưởng làm Chủ tịch đảng và cùng với Nguyễn An Dân (SN 1947, trú Điện Bàn, Quảng Nam) soạn thảo chính cương, điều lệ, tuyên ngôn, tuyên cáo... Với chiêu bài “dân quyền và nhân quyền”. Nguyễn Văn Bảy lôi kéo các đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái phản động và lợi dụng tình hình đất nước, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn để tung tin bịa đặt nói xấu chế độ.

Với những thủ đoạn ma mãnh đó, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm, Bảy và Dân đã thu hút không ít đối tượng tham gia, không chỉ ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà cả ở Huế, chúng còn dự tính phát triển ở các tỉnh miền Nam. Bọn chúng xây một hệ thống tổ chức, phân công các chức vụ từ cấp cao đến tận các cơ sở ở huyện, xã.

Về quân sự, chúng lập ra ban chỉ huy quân sự các miền, tỉnh, chiến đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng với 4 khung tiểu đoàn. Để vừa ẩn náu vừa làm căn cứ chuẩn bị cho các hoạt động vũ trang, chúng đã bố trí cơ sở, “mật khu” ở những nơi hiểm yếu như “mật khu Nam Yên”, “mật khu Phú Túc” và dự định lập thêm mật khu Hậu Đức, Đức Dục, Ba Viên. Tại “mật khu Nam Yên”, chúng dựng được 3 lán trại và giao quyền chỉ huy cho cựu sĩ quan, binh sĩ ngụy. Từ chỗ tập hợp lực lượng, xây dựng mật khu, chúng đã tiến đến hoạt động nhằm gây tiếng vang, bằng cách rải truyền đơn, treo cờ ngụy, gài lựu đạn...

Vào tháng 6/1977, chúng cài lựu đạn trong buổi tổ chức mít-tinh của chính quyền và nhân dân xã Hòa Khánh (cũ), hòng sát hại cán bộ, gây hoang mang trong quần chúng... song lựu đạn không nổ. Ngoài ra, chúng câu kết với tổ chức phản động ở các tỉnh khác, cũng như đưa một số tên ra nước ngoài tìm cách móc nối, câu kết với các tổ chức phản động quốc tế hỗ trợ cho chúng hoạt động. Với ảo tưởng về sự lớn mạnh của tổ chức, nhóm phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” đã lên kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động trong lễ Noel 1977 và chọn ngày 30/12/1977 sẽ tiến hành “tổng khởi nghĩa cướp chính quyền”.

Bản án nghiêm khắc

Trước sự hoành hành của tổ chức “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định thành lập ban chuyên án nhằm phá tan âm mưu thâm độc của tổ chức phản động này.  Lúc bấy giờ, đồng chí Hoàng Văn Lai - Trưởng ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng được phân công trực tiếp làm trưởng ban chuyên án.

Quá trình đấu tranh, lực lượng Công an đã làm rõ cơ cấu tổ chức, âm mưu hoạt động, tài liệu và phương tiện hoạt động của tổ chức phản động này. Vì vậy, ngày 10/12/1977, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định phá án, bắt tên cầm đầu Nguyễn Văn Bảy cùng 10 đối tượng khác.

Vụ án sau giải phóng miền Nam: Xóa sổ tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”

Chân dung Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn An Dân, và Trần Ngọc Thành

Tuy nhiên, với bản chất lưu manh, lì lợm, dù bị giam trong tù nhưng Nguyễn Văn Bảy vẫn ngoan cố, y lấy biệt danh là Văn Nguyễn viết thư tuồn ra ngoài chỉ đạo đồng bọn tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng. Vì thế, sau một thời gian thấy tình hình im lặng, Nguyễn An Dân với tư cách là “ủy viên Trung ương” lên thay Bảy đã củng cố đưa tổ chức trở lại hoạt động mạnh hơn trước.

Cũng với chiêu trò “khởi nghĩa”, bọn chúng lừa quần chúng ở các địa phương như Hòa Vang, Đại Lộc... tham gia tổ chức và đã phát triển lực lượng khá đông đảo.

Từ đầu năm 1978, lãnh đạo Ban Chuyên án có bí số N235 đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm chặt từng di biến động của các đối tượng trong tổ chức phản động này. Ngày 7/7/1978 Công an Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định phá toàn bộ tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”. Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng huy động nhiều lực lượng tấn công vào sào huyệt và xóa bỏ 2 “mật khu” Nam Yên và Phú Túc, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu và tài liệu của chúng.

Tại 2 “mật khu” của nhóm phản động, lực lượng Công an đã thu toàn bộ phương tiện, vũ khí và tài liệu phản động gồm 218 bản chính cương, điều lệ, tuyên cáo, các quyết định bổ nhiệm và sổ sách ghi chép các tài liệu phản động. Sau khi tập kích sào huyệt của nhóm phản động, Nguyễn An Dân bị bắt và nhiều đối tượng khác đã tự quyện ra đầu thú.

Đến ngày 18/7/1978, đã bắt Ông Văn Chính - một trong những tên được tổ chức phản động chọn cử ra nước ngoài, ngăn chặn được sự câu kết của tổ chức phản động với bọn phản động ở nước ngoài. Tính đến ngày 28/8/1978, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã bắt được 239 tên trong tổ chức phản động tại các địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... Ngoài ra, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã cung cấp tài liệu và phối hợp với Công an tỉnh Bình - Trị - Thiên khám phá tổ chức phản động có tên “Mặt trận thống nhất dân quân phục quốc Việt Nam” tại Huế vào ngày 26/12/1978. Từ đây, tổ chức phản động mệnh danh “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” bị xóa sổ toàn bộ.

Sau thời gian bị bắt giam, phiên tòa xét xử nhóm phản động này diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 đến 3/3/1979 thu hút rất đông người dân đến xem. Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bảy cùng 5 tay chân đắc lực là Trần Ngọc Thành, Nguyễn An Dân, Ông Văn Chính, Nguyễn Hữu Lang, Lê Đình Khôi mức án tử hình. 15 tên khác mức án tù giam từ chung thân đến 20 năm tù giam trở xuống và tập trung cải tạo 88 tên. Đây là những bản án thích đáng cho những kẻ đi ngược lại lợi ích dân tộc và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án sau giải phóng miền Nam: Xóa sổ tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”