Có chỉ số IQ ngang bằng nhà bác học danh tiếng Einstein nhưng Alcala lại là một tên giết người bệnh hoạn. Một trong những sở thích bệnh hoạn của hắn là sưu tập ảnh các nạn nhân.
Tháng 3/2010, cảnh sát Hoa Kỳ công bố hơn 100 bức ảnh những phụ nữ xinh đẹp không rõ danh tính. Ngoài 30 nạn nhân Alcala nhận đã hãm hiếp và sát hại họ, 100 người phụ nữ này được cảnh sát nghi ngờ đã thiệt mạng dưới tay sát nhân thông minh này.
30 năm xét xử
Sau vụ án nữ tiếp viên hàng không Cornelia “Michael” Crilley đã bị hãm hiếp và bóp cổ tới chết trong căn hộ riêng, Alcala trốn sang New Hampshire và làm việc tại một công ty chuyên tổ chức trại hè cho học sinh. Hai nữ sinh đã vô tình phát hiện người phụ trách tên John Berger của mình rất giống với hình một người bị FBI truy nã vì liên quan tới hiếp dâm bé Taili S. Ngay lập tức, 2 cô gái báo cho chính quyền và Alcala bị bắt vào tháng 8/1971.
Alcala và những nạn nhân
Nhờ trí thông minh vượt trội, Alcala đã không cần nhờ tới luật sư bào chữa mà tự bào chữa cho bản thân. Có thể coi là một thành tích đáng nể khi Alcala đã bị tất cả là ba phiên tòa tuyên xử tử hình nhưng hắn đã tự bào chữa cho mình thoát tội tử hình hai phiên tòa đầu. Mỗi lần Alcala kháng án và tự bào chữa tại phiên phúc thẩm, quyết định của tòa án hoàn toàn bị đảo ngược. Có lần, tòa án Santa Ana California tuyên tử hình Alcala bằng hình thức tiêm thuốc độc nhưng 3 tuần sau, họ lại thay đổi tội danh và miễn tội chết cho Alcala.
Với nỗ lực tìm ra bằng chứng chống lại Alcala, ngày 24/7/1979, cảnh sát đã tìm được một chiếc hộp khóa kín tại nhà mẹ đẻ của Alcala. Trong chiếc hộp có rất nhiều bức ảnh các cô gái trẻ và hai đôi hoa tai của hai cô gái trẻ đã bị hiếp và giết trước đó. Alcala nói rằng đây là tài sản của hắn nhưng cảnh sát tin rằng Alcala đã giữ những bức ảnh và đôi bông tai này như một “chiến tích” của mình. Với những bằng chứng cảnh sát có được trong chiếc hòm và thông tin từ các nhân chứng, cơ quan chức năng đã khởi tố Alcala và đưa hắn ra tòa vì tội ác đối với Robin Samsoe - chủ của một trong hai đôi hoa tai tìm được tại nhà mẹ Alcala.
Tại tòa, Alcala khẳng định tại thời điểm cô bé bị bắt cóc, hắn đang ở Khu công viên Knott's Berry Farm, nộp đơn xin làm một chân thợ ảnh tại đó. Các chị gái của Alcala khai hắn đã dùng điện thoại bàn của mẹ để gọi cho họ vào thời điểm đó. Sự thực là có những cuộc gọi điện từ nhà mẹ Alcala tới điện thoại của họ nhưng không thể xác định được là Alcala hay mẹ hắn đã gọi. Hai lần Rodney Alcala bị kết luận là có tội bắt cóc và sát hại Robin Samsoe, thì cả hai lần bản án đều bị phủ quyết.
Alcala từ khi bị bắt giam vẫn luôn bận bịu trong tù. Hắn cố gắng kiện lại hệ thống tòa án của California về bản án mình phải chịu. Trong đó, Alcala quyết liệt chống lại việc tòa sử dụng kết quả DNA tại hiện trường để buộc cho hắn tội cưỡng hiếp và sát hại Jill Barcomb, Goergia Wixted, Charlotte Lamb và Jill Parenteau. Năm 1994, hắn viết một cuốn sách bào chữa cho chính mình với nhan đề You, the Jury (Bạn và Bồi thẩm đoàn).
Hơn 30 năm sau phiên xử đầu tiên, Rodney Alcala lại được đưa ra xét xử. Ngày 25/2/2010, Bồi thẩm đoàn lần thứ ba kết luận Rodney Alcala phạm tội bắt cóc và sát hại cô bé Robin Samsoe. Các quan tòa cũng kết luận gã đã gây ra cái chết của 4 phụ nữ là Jill Barcomb, Georgia Wixted, Charlotte Lamb và Jill Parenteau. Ngày 30/3/2010, Thẩm phán Francisco Briseno tuyên án tử hình. Đó là bản án tử thứ ba cho Alcala, hai bản án trước đó đã bị phủ quyết. Đầu năm 2013, Rodney Alcala tiếp tục bị phạt thêm 25 năm tù giam trong một phiên xử tên này phạm tội hiếp dâm.
Bộ sưu tập của kẻ bệnh hoạn
Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Alcala bị bắt và chịu bản án đầu tiên, kẻ sát nhân này vẫn ở tù mà chưa bị xử tử. Cảnh sát Hoa Kỳ vẫn công bố những bức ảnh trong chiếc hộp vì cho rằng những người này có thể là nạn nhân của Rodney Alcala. Họ kêu gọi sự hợp tác từ những ai biết thông tin về những phụ nữ này.
Alcala gây ra nhiều vụ án hiếp, giết khác nhưng mãi tới 30 năm sau khi bị bắt mới bị kết án. Sau khi kẻ sát nhân bị xét xử, cảnh sát Hoa Kỳ công bố khoảng 100 bức ảnh phụ nữ do Alcala chụp. Hai trong số các bức ảnh đã được Alcala chụp sau khi nạn nhân bị sát hại. Công tố viên Matt Murphy giải thích về nguyên nhân công bố các bức ảnh: “Chúng tôi muốn tìm thấy những người phụ nữ có mặt trong các bức ảnh đó. Chúng tôi muốn biết liệu họ chỉ tạo dáng cho một kẻ giết người hàng loạt chụp ảnh hay đã trở thành nạn nhân của những trò giết người tàn bạo mà y thực hiện”. Cơ quan điều tra cho biết Alcala thường đưa nạn nhân vào tầm ngắm bằng cách đề nghị chụp hình họ. Tiếp đó y sẽ khống chế, cưỡng hiếp nạn nhân. Thú vui của Alcala là siết cổ nạn nhân cho tới khi ngất đi rồi làm họ tỉnh lại và cuối cùng ra tay sát hại.
Alcala được xếp chung với hai kẻ giết người hàng loạt tàn bạo nhất nước Mỹ là Henry Lee Lucas và Ted Bundy. Henry Lee Lucas mặc dù bị kết tội sát hại 4 người vào cuối những năm 1970 nhưng cảnh sát tin rằng y có thể đứng đằng sau hơn 200 cái chết. Ted Bundy thì bị buộc tội đã cưỡng hiếp và sát hại 35 phụ nữ trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 1978, dù cảnh sát cho biết số nạn nhân có thể nhiều hơn. Y bị tử hình bằng ghế điện vào năm 1989 vì vụ giết người cuối cùng xảy ra ở bang Florida.
Quỳnh Anh (theo TruTV)