Vụ án chìm cano tại Cần Giờ với hàng loạt vi phạm tố tụng đã được các chuyên gia chỉ rõ nhưng người tiến hành tố tụng lại không thừa nhận khiến vụ án kéo dài suốt 4 năm và chưa biết khi nào kết thúc.
“Là một doanh nhân tâm huyết đưa công nghệ mới vào sản xuất tàu thuyền nhưng bản thân tôi lại đang bị các cơ quan tố tụng Tp. Hồ Chí Minh khởi tố, truy tố tội danh “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” rồi… treo án suốt hơn 4 năm qua. Tôi thấy cần phải lên tiếng để lãnh đạo thấy được “mặt trái” của hoạt động tố tụng hiện nay để có giải pháp cải cách, thay đổi, đảm bảo hoạt động tố tụng tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật”. Đó là điều ông Vũ Văn Đảo, Luật sư, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc trăn trở trong “tâm thư” gửi lãnh đạo cấp cao ngày 23/8/2017 với mong muốn tình trạng oan sai sẽ phải sớm chấm dứt.
Ông Vũ Văn Đảo là người tiên phong đưa công nghệ và vật liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam. Công nghệ PPC phát triển tại Châu Âu từ thập niên 90, với những tính năng ưu việt, việc đưa vào sản xuất ca nô tại Việt Nam thể hiện sự nhanh nhạy của doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) lại quy kết: ông Đảo sản xuất, bán ca nô “cho lực lượng vũ trang và ký hợp đồng với Đăng kiểm Hải quân để đưa tàu thuyền sản xuất bằng PPC vào lưu thông”. Việc ông “tìm cách đưa tàu BP 12-04-02 vào sử dụng” là hành vi “cấu thành tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc
Hồ sơ truy tố bị TAND Tp. Hồ Chí Minh trả vì không đủ căn cứ buộc tội. Sau đó, CQĐT tạm đình chỉ và “treo án” suốt 4 năm qua. Ông Vũ Văn Đảo cho biết: “Rất nhiều cơ quan tổ chức từ Quốc hội, Chính phủ, VKSNDTC, Bộ Công an, Thành ủy và UBND Tp. Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu… đã có ý kiến, kiến nghị chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ án và hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh đối với tôi nhưng CQĐT, VKS Tp. Hồ Chí Minh vẫn “án binh bất động” và tìm đủ mọi lý lẽ bao biện để “ngâm án” gây thiệt hại cho doanh nghiệp, gia đình và xã hội”.
Là một doanh nhân, luật sư, đang phải trải qua thời gian dài những ngày tháng bị oan sai, ông Vũ Văn Đảo bày tỏ: "Hậu quả của việc không tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng là rất lớn".
Trong tâm thư gửi lãnh đạo, ông Đảo chỉ ra 5 vấn đề nổi cộm:
Thứ nhất: Việc không tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự là nguyên nhân dẫn đến các vụ án oan sai. Do không tuân thủ nên Cơ quan tố tụng có thể khởi tố bị can khi chưa có đủ căn cứ chứng minh một người đã thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ hai: Khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng coi việc vi phạm tố tụng là bình thường sẽ dẫn đến tâm lý điều tra, truy tố, xét xử bằng cảm tính, suy diễn, không quan tâm tới cấu thành tội phạm. Nếu vi phạm tố tụng không được xử lý sẽ làm cán bộ không nâng cao trình độ chuyên môn; khi làm sai lại lạm quyền để “ngâm án, treo án”.
Thứ ba: Khi pháp luật không được tôn trọng sẽ khiến người dân mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy tác dụng của Bộ luật hình sự trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sẽ bị giảm sút. Ai đó nếu phạm tội thì Cơ quan tố tụng cũng cần phải chứng minh đúng luật để họ tâm phục, khẩu phục, khi đó mới có thể giúp công dân trở thành người tốt.
Thứ tư: Khi pháp luật không được tôn trọng thì việc giải quyết vụ án sẽ bị kéo dài, làm cho bộ máy các cơ quan tố tụng ngày càng "phình to". Một vụ án nếu làm đúng luật thì thời hạn điều tra tối đa 4 tháng nhưng Cơ quan tố tụng kéo dài đến vài năm không xong. Hầu hết các vụ án đều gia hạn thời hạn điều tra và gia hạn tạm giam các bị can, đặc biệt đối với các vụ án oan sai và có dấu hiệu oan sai đều ở trong tình trạng ngâm án, treo án.
Thứ năm: Khi pháp luật tố tụng hình sự không được tôn trọng sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ không chỉ đối với doanh nhân mà ngay cả cán bộ, công chức nhà nước. Có tình trạng hiện nay là cán bộ, công chức rất sợ trách nhiệm. Không phải họ sợ vì bị mất chức, giảm lương hay điều chuyển công tác mà họ sợ bị các Cơ quan tố tụng chụp mũ, hình sự hóa trách nhiệm. Tâm lý lo sợ này đang gây cản trở cho phát triển kinh tế xã hội.
Từ các vấn đề nêu trên, ông Vũ Văn Đảo kiến nghị Quốc hội mở một cuộc điều tra, đánh giá xem có bao nhiêu vụ án có vi phạm pháp luật tố tụng hình sự để từ đó có cái nhìn đầy đủ về bức tranh hoạt động tố tụng hiện nay và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Vụ án chìm ca nô tại Cần Giờ với hàng loạt vi phạm tố tụng đã được các chuyên gia chỉ rõ nhưng người tiến hành tố tụng lại không thừa nhận khiến vụ án kéo dài suốt 4 năm và chưa biết khi nào kết thúc. Ông Vũ Văn Đảo tha thiết nêu trong tâm thư: “Quốc hội cần tổ chức một Đoàn kiểm tra đánh giá lại toàn diện vụ án để nhìn thấy các bất cập trong hoạt động tố tụng và việc lạm dụng quyền lực trong thi hành công vụ”.
Phóng viên Báo Công lý đã nhiều lần liên hệ với Công an Tp. Hồ Chí Minh để thu thập thông tin, xác minh về các dấu hiệu vi phạm tố tụng liên quan đến việc khởi tố, tạm đình chỉ, “treo án” kéo dài. Tuy nhiên, cán bộ hành chính yêu cầu báo “gửi văn bản” để được xem xét, bố trí làm việc.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo của vụ việc.