Cho đến nay, theo phản ánh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa đền bù về tài chính cho gia đình các nạn nhân tử vong vì chạy thận nhân tạo.
Thời gian qua lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng đại diện gia đình 8 bệnh nhân nhân tử vong đã nhiều lần đối thoại để thỏa thuận mức đền bù, đến nay vẫn chưa thể thống nhất. Cả hai bên đều mời luật sư để hỗ trợ pháp lý.
Theo đó, 8 gia đình đề nghị được đền bù một mức như nhau gồm hỗ trợ tổn thất tinh thần, chi phí mai táng, tổng cộng 250 triệu đồng; những gia đình có con dưới 18 tuổi sẽ tính khoản riêng. Trong khi đó phía bệnh viện đưa ra các mức đền bù khác nhau, thấp nhất trên 140 triệu đồng, cao nhất 242 triệu đồng. Các gia đình phải cung cấp những hóa đơn cùng với chi phí mai táng.
Sự cố y khoa khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình đã khiến 8 người tử vong
Trước đó, trong ngày 13/11, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các gia đình nạn nhân tử vong vì chạy thận đã đưa vụ "đòi" hóa đơn đỏ lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo phản ánh của luật sư này, đã hơn nửa năm trôi qua mà phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Cụ thể như sau:
“Hoá đơn đỏ
Nhận vụ trợ giúp pháp lý cho 8 gia đình nạn nhân tử vong vì chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình... Đã hơn nửa năm trôi qua mà phía bệnh viện chưa bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hoá đơn tài chính việc ma chay. Trong khi các gia đình nạn nhân đa phần là đồng bào dân tộc, ở tít tận trong bản. Bà con loay hoay không biết làm thế nào mà liên hệ với dưới âm để xin hoá đơn được đây...”.
Trước thông tin trên, phóng viên đã liên lạc với đại diện gia đình các nạn nhân. Theo đó, phía các gia đình cho biết, sau nhiều lần đối thoại, phía bệnh viện yêu cầu các gia đình gửi đến bệnh viện thông tin về chi phí mai táng và chi phí khác.
Tuy nhiên, bệnh viện tiếp tục yêu cầu các gia đình xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay nạn nhân. Khi sự việc diễn ra, các gia đình lo lắng không ai giữ đủ hết các hóa đơn tài chính. Khi bệnh viện đưa ra yêu cầu đó, các gia đình không đáp ứng hết được.
Đại diện gia đình 8 nạn nhân cho biết, đã tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo họ, việc bệnh viện yêu cầu cung cấp hóa đơn tài chính ma chay là vô lý, trong khi đó đã có người thân tử vong thì mức đền bù như nhau, không thể căn cứ theo sức khỏe, tuổi tác mà có sự phân biệt...
Trước đó, như báo Công lý đã đưa tin, ngày 29/5, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo - BVĐK tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện triệu chứng của sốc phản vệ (bệnh nhân có biểu hiện khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa). Sự cố nghiêm trọng này đã làm 8 bệnh nhân tử vong, 10 bệnh nhân nhẹ hơn may mắn được cứu sống. Hiện sức khoẻ những bệnh nhân này đã ổn định như trước thời điểm xảy ra sự cố.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Ông Trương Quý Dương bị cách chức giám đốc bệnh viện từ ngày 9/8.
Công an Hòa Bình khởi tố vụ án về Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.