Chương trình không chỉ có tham vọng cung cấp tới khán giả thông tin đầy đủ, rõ nét về các quy định của pháp luật và được áp dụng trong quá trình tố tụng đối với từng vụ án cụ thể, mà còn nâng cao nhận thức của công chúng về ý thức thượng tôn pháp luật ở Việt Nam.
Được ấp ủ ý tưởng, xây dựng format và tổ chức sản xuất trong hơn 1 năm trước khi ra mắt khán giả, chương trình Hồ sơ xét xử lựa chọn cách thức tiếp cận hồ sơ vụ án thay vì cách tái hiện quá trình điều tra hay giả lập các phiên tòa như những chương trình trước đây về chủ đề Tòa án.
Chương trình “Hồ sơ xét xử” lựa chọn cách thức kể lại câu chuyện vụ án, làm nổi bật các tình tiết, bằng chứng đã được xem xét tại phiên tòa. Những tình tiết quan trọng của vụ án sẽ được xem xét, phân tích và thậm chí cả phản biện, để tìm ra bản chất khoa học của các lập luận về các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội của bị cáo, và trả lời cho các câu hỏi của công chúng: Vì sao bị cáo phải nhận mức phán quyết này? Vì sao bị cáo được giảm nhẹ hình phạt? Quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và nguyên đơn được bảo vệ trước tòa như thế nào?
Bằng cách phân tích từ các điều kiện để xác lập chứng cứ và lời khai hợp pháp, đến việc phân tích và vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho mỗi tình huống cụ thể, chương trình “Hồ sơ xét xử” nỗ lực phác họa lại con đường dẫn tới phán quyết của các vị Thẩm phán, giúp công chúng hiểu được bản chất khoa học của các lập luận được nêu ra tại phiên xét xử.
Nếu như sau mỗi phiên tòa, công chúng chỉ được biết phán quyết cuối cùng của tòa án về việc ai phạm tội gì, và bị xử phạt như thế nào, thì qua chương trình “Hồ sơ xét xử”, khán giả sẽ hiểu được nguyên tắc giả định vô tội, nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung, hay nguyên tắc tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật sẽ được thực thi ra sao trong quá trình tố tụng.
“Khi hiểu được bản chất khoa học của từng lập luận dẫn đến các phán quyết tại tòa, công chúng không chỉ nắm rõ các quy định của pháp luật có liên quan tới phiên tòa đó, mà còn hiểu được vì sao mỗi phán quyết đó là minh bạch, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, từ đó mà xây dựng được niềm tin vào công lý, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của người dân”, ông Nguyễn Trung Đại, đạo diễn chương trình Hồ sơ xét xử, khẳng định.
Thông qua việc nghiên cứu, phân tích hồ sơ vụ án, nhiều câu chuyện xét xử, nhiều vụ án điển hình sẽ được chương trình “Hồ sơ xét xử” tái hiện một cách chân thực, khách quan với những thủ pháp phân tích hồ sơ được trình bày một cách khoa học. Đội ngũ biên tập của Chương trình sẽ tái hiện lại một cách chân thực, sống động, hấp dẫn các vụ việc vi phạm pháp luật về hình sự, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính từ đó truyền tải thông tin để người xem nâng cao nhận thức và có biện pháp phòng tránh.
“Thông qua các vụ án, chương trình sẽ góp phần vào việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giúp họ có khả năng hơn trong việc nhận biết và kiểm soát được những hành vi của mình; tuyên truyền rộng rãi để răn đe những kẻ cố tình vi phạm pháp luật, những đối tượng dễ bị “phơi nhiễm” tiêu cực xã hội trở thành người vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Mạnh Hồng, TBT Báo Công lý, Chỉ đạo sản xuất chương trình Hồ sơ xét xử, nhấn mạnh.
Chương trình "Hồ sơ xét xử" được Tòa án Nhân dân Tối cao giao cho Báo Công lý tổ chức thực hiện. Chương trình sẽ được Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam kiểm định nội dung và tổ chức phát sóng vào 21h30 các ngày thứ Tư hàng tuần, bắt đầu từ ngày 1/6/2022 trên kênh VTV2.