Ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định về quản lý, gia hạn chính sách hỗ trợ
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có bà Hoàng Thị Thuý Lan, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện các sở, ngành tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm tụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, GRDP quý I năm 2023 của tỉnh giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91 so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân do Vĩnh Phúc là địa phương có độ mở kinh tế cao, nên chịu tác động rất mạnh từ kinh tế thế giới. Thứ nữa, do ảnh hưởng của lạm phát cao, tiêu dùng sụt giảm mạnh (từ cuối năm 2022) và do ảnh hưởng của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt chịu ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng cho công ty Samsung (doanh nghiệp có sản lượng thấp so với cùng kỳ năm trước) dẫn đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng thấp nhất trong 8 năm qua.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đoàn công tác của Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phục hồi kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, trong đó trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước... Đồng thời đề nghị đoàn công tác xem xét báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 tăng chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm để tỉnh Vĩnh Phúc phát huy tối đa lợi thế phát triển công nghiệp theo định hướng Quy hoạch Quốc gia, Quy hoạch vùng...
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành có liên quan xem xét gia hạn một số chính sách thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 gia hạn ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cần thiết để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn hiện nay để đảm bảo tạo điều kiện các doanh nghiệp nhập đủ sản lượng sản xuất cho một mẫu xe nhất định cho tới khi doanh nghiệp có thể tự sản xuất các linh kiện, phụ tùng trong nước, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Xem xét điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu 6 tháng và lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước góp phần giảm giá bán, kích thích tiêu dùng, tăng năng lực sản xuất nội địa. Tiếp tục áp dụng chính sách về giãn, hoãn các khoản phải nộp, như cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho một khoảng thời gian đủ dài (từ 2-3 năm).
Gia hạn một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh đã hết thời gian thực hiện, như: Hỗ trợ giảm giá tiền nước cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ tiền thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; hỗ trợ về lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước; các chính sách tín dụng…
Cho rằng chính sách đầu tư, phát triển chợ, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn bất cập, hạn chế, tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về quản lý, phát triển chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng thực hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở rà soát lại các luật có liên quan để nhằm sửa đổi phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam…
Về lĩnh vực Công Thương, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tổng công ty Điện lực miền Bắc thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được bộ, ngành phê duyệt. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho tỉnh từ các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng, chương trình khuyến công và chương trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều giải phát giúp Vĩnh Phúc tăng trưởng trở lại
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, với độ mở của nền kinh tế cao (gấp 2 lần cả nước) nên Vĩnh Phúc đã chịu ảnh hưởng mạnh khi nhu cầu thị trường thế giới bị suy giảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý I giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,32%), đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó khu vực có thế mạnh của tỉnh là công nghiệp giảm tới 8% (xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 50/63 cả nước); lạm phát ở mức khá cao (5,06%); huy động vốn giảm 4,49% và dư nợ tín dụng tăng thấp (2,77%) so với cuối năm 2022.
Theo Bộ trưởng, để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, từng bước phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra, Vĩnh Phúc cần tập trung rà soát rà soát, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ thực chất, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từng dự án đầu tư trên địa bàn (gồm cả dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp), nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động để phát huy hiệu quả đầu tư và gia tăng năng lực sản xuất mới.
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh, trên cơ sở tích hợp đầy đủ, kịp thời các chủ trương về phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi các dự án đầu tư (hoặc các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội) trong thời gian tới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giám sát và điều hành của chính quyền các cấp, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò sức mạnh quần chúng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giải quyết việc khó, việc lớn ở địa phương.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực và dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan (như vật liệu, cơ khí, chế tạo, thương mại, dịch vụ) và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; dẫn dắt đầu tư tư…
Chú trọng nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động tốt nhất các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong thực hiện các thủ tục hành chính (có liên quan đến cơ quan quản lý doanh nghiệp). Chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và triển khai các dự án đầu tư.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiếp cận, khai thác các thị trường (cả trong nước và nước ngoài) để phát huy hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP…)
Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, logicstics; hạ tầng thương mại, dịch vụ (cả truyền thống và hiện đại) gắn với đô thị hóa và hoạt động du lịch. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là quan tâm phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử nhằm khai thác có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực mới cho sản xuất và đầu tư trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất hiện đại. Tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng, nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, tăng tỷ trọng giá trị nội địa và nâng cao tính độc lập, tự chủ trong sản xuất công nghiệp địa phương.
Phát huy thế mạnh của trung tâm công nghiệp quốc gia để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp; trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực, các công đoạn của các ngành công nghiệp nền tảng có giá trị gia tăng cao, có khả năng hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ, có kỹ năng và kỷ luật, phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả, kết hợp với đẩy mạnh các biện pháp truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.