Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi, chia buồn về vụ nổ súng ngày 18/3 vừa qua tại thành phố Ultrecht (Hà Lan).
Được tin vụ nổ súng ngày 18/3 vừa qua tại thành phố Ultrecht (Hà Lan) khiến 3 người chết và nhiều người bị thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan
Stef Blok.
Nhà chức trách Hà Lan đã bắt giữ nghi phạm Gokmen Tanis, 37 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là kẻ xả súng trên tàu điện ở thành phố Utrecht. Hai nghi can khác chưa rõ danh tính, 23 và 27 tuổi cũng đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra.
Vụ xả súng trên xảy ra trong bối cảnh dư luận thế giới chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng kinh hoàng ở New Zealand ngày 15/3 khiến 50 người thiệt mạng.
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ xả súng ở 24 Oktoberplace, Utrecht, Hà Lan, ngày 18/3/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Đáng lưu ý, hôm nay (20/3), cử tri Hà Lan đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương, vốn được xem là cuộc trưng cầu ý dân về các chính sách của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử bị phủ bóng bởi vụ xả súng kinh hoàng ở Utrecht làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 9 người bị thương.
Tại cuộc bầu cử lần này, các đảng cánh hữu đã tập trung thúc đẩy vấn đề hội nhập trong bối cảnh Hà Lan chưa hết bàng hoàng trước vụ xả súng tại thành phố Utrecht do một người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ gây ra.
Kết quả bỏ phiếu đang được theo dõi sát sao bởi đây sẽ là mở màn cho cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới, với các đảng dân túy được dự báo sẽ chiếm ưu thế lớn. Sau vụ tấn công tại Utrecht, gần như toàn bộ các đảng phái chính trị đã ngưng chiến dịch vận động tranh cử.
Chỉ duy nhất đảng Diễn đàn vì dân chủ (FvD) theo đường lối dân túy do ông Thierry Baudet lãnh đạo tiếp tục vận động tại khu ngoại ô ven biển Scheveningen của La Haye.
Ông Baudet cáo buộc chính quyền Thủ tướng Rutte có những chính sách nhập cư "ngây ngô" và cho rằng cần có sự thay đổi nếu không sẽ có thêm các vụ tấn công tại Hà Lan.
Khảo sát cho thấy liên minh 4 đảng của Thủ tướng Rutte sẽ chịu thất bại nặng nề khi các ghế trong thượng viện được quyết định. Các đối tác trong liên đảng của ông Rutte là Dân chủ cấp tiến D66 và Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) được dự báo có thể mất tới 10 ghế.
Nếu như liên minh cầm quyền để mất thế đa số, Thủ tướng Hà Lan sẽ cần thêm sự ủng hộ của phe đối lập để có thể thông qua các dự luật.
Các báo Hà Lan dự báo đảng GroenLinks cánh tả do ông Jesse Klaver đứng đầu sẽ giành được ưu thế. Trong khi đó, đảng FvDcủa ông Baudet có thể đe dọa đến đảng Vì tự do của ông Geert Wilders, chính đảng dân túy có chủ trương bài Hồi giáo vốn luôn nhận được sự ủng hộ của những người theo đường lối cứng rắn tại Hà Lan.
Với những diễn biến trên khắp châu Âu trước thềm bầu cử, hai đảng theo đường lối cứng rắn này có thể cùng nhau trở thành khối lớn nhất trong thượng viện.
Vụ tấn công tại Utrecht và việc bắt giữ đối tượng gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo thuận lợi đáng kể cho hai đảng này. Các nhà quan sát nhận định dù không lớn bằng cuộc bầu cử hạ viện diễn ra vào năm 2017, song bầu cử địa phương tại Hà Lan vẫn giữ vai trò quan trọng.
Các cử tri sẽ bầu ra 570 đại diện tại 12 tỉnh, và những người này sẽ quyết định thành phần Thượng viện Hà Lan gồm 75 ghế vào ngày 27/5 tới.