Theo công bố của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), hiện trên thế giới chỉ có 10 quốc gia hoàn toàn không có xung đột. Và Việt Nam nằm trong số đó.
Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh
Theo Independent ngày 8/6, Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) đã đánh giá chỉ số hòa bình của 163 quốc gia trên thế giới trong năm qua và cho biết, trên thế giới hiện nay chỉ có 10 quốc gia thực sự an toàn, hay nói cách khác là không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào bên trong và bên ngoài nước bao gồm: Botswana, Chile, Costa Rica, Nhật Bản, Mauritius, Panama, Qatar, Thụy Sĩ, Uruguay và Việt Nam.
Năm 2016, châu Âu một lần nữa được đánh giá là khu vực hòa bình nhất trên thế giới, do có 7 trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách.
Theo ông Steve Killelea, người sáng lập của IEP, so với năm ngoái, 81 nước trở nên yên ổn hơn, trong khi đó 79 nước khác lại rơi vào tình thế nguy hiểm gấp nhiều lần.
Các cuộc xung đột ngày càng xấu đi ở Trung Đông, việc thiếu một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự gia tăng tử vong do các cuộc tấn công khủng bố lớn tại Trung Đông đã kéo tụt chỉ số hòa bình của cả thế giới xuống thấp hơn năm ngoái. Trong khi đó, "Nếu không tính tới Trung Đông, thì thế giới năm nay yên bình hơn", ông Kilelea nói.
Theo đánh giá năm nay, Syria vẫn năm ở vị trí cuối cùng của thế giới về độ an toàn, trong khi đó, Yemen xếp ở vị trí 158, tụt so với năm ngoái 9 bậc. Trong khi, Brazil năm nay đã thoát khỏi danh sách những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới.
Ông Killelea nhận định, nếu không kiểm soát các cuộc xung đột ở Trung Đông, tình trạng bất ổn kéo dài sẽ nhanh chóng lan rộng ra các nước khác.
IEP cũng cho thấy, một xu hướng rõ rệt là trong các nước an toàn thì tình hình an ninh càng cải thiện hơn, trong khi ở các nước nguy hiểm thì tình hình lại diễn biến xấu hơn.
Các quốc gia nguy hiểm nhất thế giới gồm Syria, Nam Sudan, Iraq, Afghanistan, Somalia, Yemen, Cộng hòa Trung Phi và Ukraine, Sudan và Libya và Pakistan.