Sức Khỏe

Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận ca mắc cúm A(H9)

Minh Lý 06/04/2024 - 14:51

Ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo trường hợp mắc cúm A(H9). Bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là ca nhiễm cúm A(H9) trên người đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có Công văn khẩn ngày 6/4 gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch.

Cục đề nghị Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, phát hiện kịp thời trường hợp mắc mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm vi rút.

Trước đó, ngày 2/4, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh báo cáo ghi nhận trường hợp cúm A(H9) là nam giới, 37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là trường hợp nhiễm cúm A(H9) trên người đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam từ trước đến nay.

Ngày 10/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/3, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do vi rút.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại bệnh viện phát hiện bệnh nhân dương tính cúm A và có các đoạn gen tương đồng vi rút cúm A phân tuýp H9. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định.

tiem-an-nguy-co-lay-nhiem-cum-gia-cam-sang-nguoi.-anh-minh-hoa-.png
Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. (Ảnh minh họa)

Ngày 01/4, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9. Hiện tại, Viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, trước cửa nhà bệnh nhân có buôn bán gia cầm. Xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe. Đến nay, chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp; chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.

Đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H9) tại Việt Nam từ trước đến nay.

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây có phát hiện vi rút cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm. Đây là vi rút cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp cụ thể: Không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim;

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.

Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ; Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận ca mắc cúm A(H9)