Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” là chủ đề hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2014 (10/11-10/12/2014), Chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu năm 2014 và nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12).
Tại hội thảo “Đại biểu Quốc hội và công tác phòng chống HIV/AIDS” do Quốc hội Việt Nam, Liên minh nghị viện thế giới và Cơ quan Liên hiệp quốc về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam liên tục được phát triển và hoàn thiện theo hướng tiến bộ, tiếp cận được chuẩn mực của pháp luật quốc tế, tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả căn bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia của Cơ quan Liên hiệp quốc về phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nhận xét: “Việt Nam thể hiện rõ ràng đang đi tiên phong, dành toàn bộ tâm huyết để bảo vệ tất cả mọi công dân Việt Nam tránh khỏi nguy cơ đe dọa của HIV và để đảm bảo mọi thế hệ mới của Việt Nam sẽ không còn bị AIDS hoành hành, đe dọa”. Cơ quan Liên hiệp quốc về phòng chống HIV/AIDS khẳng định tiếp tục đồng hành cùng với Việt Nam tìm giải pháp duy trì bền vững các ứng phó phòng chống HIV của quốc gia, đạt đến đích kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Điều trị cho bệnh nhân HIV tại Bệnh viện Hà Đông-Hà Nội
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV và giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, nước ta mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở Việt Nam. Một trong những điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 260.000 người nhiễm HIV. Tính đến tháng 6 vừa qua, cả nước có hơn 86.700 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Mặc dù số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm nhưng tổng số người đang nhiễm HIV ngày càng gia tăng. Hiện có hơn 80% số xã, phường, thị trấn và gần 99% số quận, huyện có người nhiễm HIV.
Theo Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Đến nay, thế giới có trên 35 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 39 triệu người đã tử vong do AIDS. Theo ông Long, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Thời điểm hiện tại, toàn quốc đã có 224.223 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống.
Ông Long cho rằng, tuy Việt Nam là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới nhưng tình hình lây nhiễm HIV vẫn diễn biến phức tạp. Mỗi năm, tại Việt Nam vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. Do đó, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Nguyên nhân là do tốc độ đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống, các biện pháp can thiệp vẫn chưa được triển khai mạnh, tình trạng phân biệt đối xử chưa giảm.
Năm 2014, Việt Nam đã chọn chủ đề “Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” để cùng nhau chống lại sự kỳ thị phân biệt đối xử đối người mắc bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, phân biệt đối xử vẫn đang tồn tại ở các mức độ khác nhau, ở nhiều nơi, nhiều lúc, từ gia đình, nơi làm việc, trường học, công sở và ngoài cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS chỉ có thể chấm dứt khi phân biệt đối xử được chấm dứt.