Bệnh không lây nhiễm đang trở thành thảm họa của xã hội hiện đại, lối sống thiếu lành mạnh, lạm dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, sử dụng thức ăn nhanh... đang khiến hơn 70% số người tử vong có liên quan đến căn bệnh này.
TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ước tính mỗi năm, trên cả nước có khoảng 520.000 người tử vong, trong đó có gần 380.000 trường hợp liên quan đến bệnh lý không lây nhiễm ung thư, tim mạch, huyết áp, hô hấp mạn tính, đái tháo đường...
Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh. Vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, bia; chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng.
Bên cạnh đó, người dân sử dụng muối cao gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (9,4 gram/ngày, so với khuyến cáo là dưới 5 gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Số liệu thống kê của ngành y tế cho thấy, hiện chỉ có 43% bệnh nhân tăng huyết áp từng được bác sĩ chẩn đoán, tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại cơ sở cũng chỉ chiếm 3,6%; số bệnh nhân đái tháo đường được bác sĩ chẩn đoán chỉ có 31% và hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Trong khi các bệnh không lây nhiễm đều có thể phòng ngừa được nhưng số người mắc vẫn gia tăng ở mức báo động. Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện, gia tăng nghèo đói và áp lực lên sự phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Cục Y tế dự phòng, nếu mọi người thực hiện các hành vi tốt cho sức khỏe như: không hút thuốc, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực và hạn chế sử dụng rượu bia thì sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường tuýp II và trên 40% các bệnh ung thư.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, để phòng chống bệnh không lây nhiễm, mỗi người nên hoạt động thể lực cường độ trung bình hàng ngày, với tổng thời gian tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm.