Việt Nam "đi sau nhưng về trước" trong tiêm chủng vaccine Covid-19

Thảo Nguyên| 02/01/2023 12:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia “đi sau nhưng về trước” trong tiêm chủng vaccine Covid-19.

Năm 2022, sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới, mở cửa đất nước, đồng thời tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh và những biến chủng mới của Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Tính đến ngày 31/12/2022, đã có 265.498.695 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng an toàn, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới.

Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên xấp xỉ 100%, hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm nhắc lại mũi 3, gần 90% nhóm người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 4.

Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, mặc dù triển khai tiêm chủng muộn hơn, cũng đã có hơn 90% được tiêm mũi 1 và gần 70% trẻ được tiêm mũi 2.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, có được thành công này là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

"Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNICEF, WHO trong việc cung ứng vaccine Covid-19 kịp thời, hỗ trợ kỹ thuật triển khai tiêm chủng cũng như hỗ trợ truyền thông vận động người dân Việt Nam tích cực tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Việt Nam

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân

Nhận thấy tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho người dân để cùng cảnh giác trước những diễn biến của dịch bệnh, chiến dịch "Hành trình an toàn" đã được UNICEF, phối hợp cùng Bộ Y Tế và WHO phát động vào ngày 7/3/2022, nhằm nhấn mạnh và củng cố tầm quan trọng của việc tất cả mọi người cùng tuân thủ, thực hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bao gồm tiêm vaccine phòng Covid-19.

Các hoạt động truyền thông của chiến dịch được triển khai liên tục, rộng khắp và sinh động trên mạng xã hội (Facebook, TikTok), trên các trang Facebook chính thức của UNICEF Việt Nam, Bộ Y tế, WHO Việt Nam, trên các phương tiện thông tin đại chúng với sự tham gia của các chuyên gia y tế, các tổ chức quốc tế, sự hỗ trợ, lan tỏa của các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn, đã nhấn mạnh và củng cố tầm quan trọng của việc tất cả mọi người cùng tuân thủ, thực hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bao gồm tiêm vaccine Covid-19 ở Việt Nam.

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu: "Chúng tôi tin rằng chiến dịch "Hành trình an toàn" đã cung cấp cho người dân những thông tin quan trọng và chính xác về vắc xin Covid-19, giúp mọi người hiểu rõ về sự an toàn, cần thiết và hiệu quả của vaccine, đặc biệt là đối với trẻ em".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam "đi sau nhưng về trước" trong tiêm chủng vaccine Covid-19