Việt Nam đề xuất một số ưu tiên trong hợp tác Mekong-sông Hằng

Nhóm PV| 02/08/2019 10:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các đề xuất của Việt Nam được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-sông Hằng (MGC) lần thứ 10.

Việt Nam đề xuất một số ưu tiên trong hợp tác Mekong-sông Hằng

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 1/8 tại Bangkok, Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-sông Hằng (MGC) lần thứ 10.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.

Sau khi thảo luận về tình hình hợp tác thời gian qua, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và ứng phó với các thách thức chung cũng như phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa các nước Mekong và Ấn Độ, các Bộ trưởng nhất trí thông qua Kế hoạch hành động của Hội nghị giai đoạn 2019-2022, trong đó bổ sung 3 lĩnh vực hợp tác mới là quản lý nguồn nước, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng; tiếp tục tăng cường hợp tác về nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, thương mại, văn hoá và du lịch.

Hội nghị cũng hoan nghênh việc Ấn Độ trở thành đối tác phát triển của Chiến lược hợp tác kinh tế  Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao các hoạt động mà hợp tác Hội nghị đã triển khai trong thời gian qua và cảm ơn sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho khu vực Mekong.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 là kỷ niệm 20 năm hợp tác MGC và đây là thời điểm để xây dựng lộ trình đưa hợp tác MGC lên tầm cao mới.

Phó Thủ tướng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, bao gồm: Tăng cường hợp tác kết nối, nhất là việc mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía nam tới Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển, cũng như mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam, đồng thời tích cực nghiên cứu các dự án hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đa phương thức nối liền khu vực Mekong và Ấn Độ; thuận lợi hoá thương mại và đầu tư thông qua xoá bỏ các rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch, và phát triển chuỗi cung ứng khu vực; thúc đẩy quản lý nguồn nước bền vững, đặc biệt là việc thực hiện các dự án về thu thập và giám sát dữ liệu tài nguyên nước, quản lý nước ngầm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt và hạn hán.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung lần thứ 10, Kế hoạch hành động hợp tác MGC giai đoạn 2019-2022 và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong- sông Hằng lần thứ 11 tại Việt Nam trong năm 2020.

* Trước đó trong sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dự Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong lần thứ 12 (LMI).

Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Camppuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Tổng Thư ký ASEAN.

Trong thời gian qua, thông qua các chương trình cụ thể, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của ASEAN, LMI đã giúp nâng cao năng lực cho các nước Mekong trong quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường năng lượng khu vực; xây dựng mạng lưới đào tạo tập trung vào khoa học và sáng tạo; ứng phó với thiên tai và dịch bệnh; trao quyền cho phụ nữ; và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững…

Các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến của Mỹ về Chương trình tác động chung LMI nhằm gắn các dự án của LMI với nhu cầu thực tế của từng địa phương…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thông báo sẽ cùng Nhật Bản thiết lập “Đối tác năng lượng khu vực Mekong” nhằm hỗ trợ các nước Mekong bảo đảm an ninh năng lượng bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh đóng góp của Mỹ đối với sự phát triển của khu vực thông qua LMI.

Phó Thủ tướng đánh giá cao LMI về cách tiếp cận tổng thể đối với vấn đề nguồn nước-năng lượng- lương thực, tập trung nâng cao vai trò của nữ giới và phát triển nguồn nhân lực, đóng góp quan trọng vào xây dựng Cộng đồng ASEAN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác cần tập trung thời gian tới, bao gồm: Nâng cao năng lực thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng hiệu quả về kinh tế, bền vững về tài chính, môi trường và xã hội; tăng cường năng lực hoạch định chính sách quản lý nguồn nước sông Mekong và xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại kỹ thuật số.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định vai trò quan trọng của Nhóm những người bạn của Hạ nguồn Mekong trong việc huy động hỗ trợ của các đối tác giúp khu vực Mekong đạt mục tiêu phát triển.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về kỷ niệm lần thứ 10 Sáng kiến Hạ nguồn Mekong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đề xuất một số ưu tiên trong hợp tác Mekong-sông Hằng