Việt Nam trao đổi với các đối tác ở các nước có hệ số an toàn cao về việc có thể nối lại các đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chiều 25/2.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, do các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 cũng như làn sóng Covid-19 trên thế giới và diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam từ cuối tháng 1 cho đến nay, Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
"Hiện tại Bộ Ngoại giao đang phối hợp hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước một cách an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh trên thế giới, cũng như ở Việt Nam và đặc biệt là năng lực cách ly trong nước", bà Lê Thị Thu Hằng thông tin.
Liên quan đến kế hoạch mở lại các chuyến bay thương mại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lưu ý, để đảm bảo mục tiêu kép "vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi với các đối tác ở các nước có hệ số an toàn cao về việc có thể nối lại các đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này".
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết thêm: "Với một số đối tác có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng hàng không Việt Nam cũng đã nghiên cứu và trao đổi về quy trình và thời điểm cụ thể khi nào có thể tiến hành nối lại các chuyến bay".
Liên quan đến việc mua vaccin ngừa COVID-19, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua Bộ Y tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã và đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất và các nguồn cung cấp vaccine trên thế giới, trong đó có COVAX Facility, nguồn vaccine của AstraZeneca, nguồn vaccine của Pfizer, và nguồn vaccine Sputnik V của Nga, để có thể triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất".
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục tập trung nguồn lực cao để có thể triển khai, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Hiện nay, các nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trong nước đang được triển khai theo đúng tiến độ. Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam mong muốn tiếp cận nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, mức giá hợp lý, phù hợp với điều kiện bảo quản của Việt Nam.
Về câu hỏi liệu Việt Nam có mua vaccine Trung Quốc hay không, người phát ngôn Thu Hằng nói: "Ngoài những nguồn vaccine như đã nêu ở trên, hiện nay Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với các đối tác khác trên thế giới để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước".
Khi được hỏi quan điểm của Việt Nam về Tổng Giám đốc mới của WTO, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam chúc mừng TS. Ngozi Okonjo-Iweala trở thành Tổng Giám đốc mới của WTO. Với kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực tài chính và thương mại, bà Ngozi Okonjo-Iweala sẽ thành công trong việc lãnh đạo WTO, đóng góp tích cực vào hệ thống thương mại toàn cầu.
“Là một thành viên có trách nhiệm trong WTO, Việt Nam ủng hộ hệ thống đa phương mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó đề cao vai trò trung tâm của WTO. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với tân Tổng Giám đốc và các thành viên khác đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của WTO và thúc đẩy hiệu quả tiến trình cải cách của tổ chức này”.