Đó là khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trong phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/1.
Ngày 6/1/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) do Tổng thống Tunisia Kais Saied, Chủ tịch HĐBA tháng 1/2021 chủ trì .
Cuộc họp diễn ra với chủ đề “Các thách thức trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bối cảnh nhiều bất ổn”, có sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Abdel Fattah el-Sisi.
Tình hình xung đột trên thế giới ngày càng phức tạp, khó giải quyết
Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định tình hình xung đột trên thế giới ngày càng trở nên phức tạp, khó giải quyết. Ông cho rằng đây sẽ là nguyên nhân có thể khiến triển vọng hòa bình, ổn định bền vững của thế giới chịu tác động tiêu cực trong nhiều năm tới, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho các quốc gia gặp bất ổn.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh tình hình tội phạm vũ trang, nạn đói nghèo, thất nghiệp, bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo trên thế giới tiếp tục là những trở lực tạo ra sự chênh lệch trong xã hội, cản trở LHQ hỗ trợ các nước, đặc biệt là các nước châu Phi ứng phó và phục hồi hậu Covid-19.
Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi các tổ chức quốc tế và khu vực tăng cường thực hiện các chính sách xây dựng hòa bình để hỗ trợ các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác để khắc phục các cuộc khủng hoảng, ủng hộ các nỗ lực bình ổn xung đột, tái thiết hậu xung đột của AU và các nước châu Phi.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban AU Abdel Fattah el-Sisi cho rằng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia châu Phi, đặc biệt khi tình hình xung đột, khủng bố, cực đoan, tội phạm xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, đại dịch đang là các tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia dễ bị tổn thương, tạo ra nhiều hệ lụy đối với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Ủy ban AU kêu gọi các quốc gia phối hợp tăng cường các chính sách đảm bảo an ninh, xây dựng chiến lược tái thiết hậu xung đột, cùng đoàn kết để tiến tới hòa giải và giải quyết triệt để các cuộc xung đột, tích cực ủng hộ việc thực hiện Khuôn khổ hợp tác LHQ-AU; hoan nghênh các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, các Đặc phái viên của LHQ đã và đang đóng vai trò tích cực để thực hiện các mục tiêu hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực.
Trong khi đó, nguyên Tổng thống Liberia đánh giá 2021 sẽ là năm cả thế giới cùng lạc quan nếu như có thể chấm dứt các cuộc chiến tranh và xung đột, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các lực lượng gìn giữ hòa bình và tăng cường hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; cho rằng đây là những vấn đề mà chủ nghĩa đa phương cần giải đáp để giúp các quốc gia thành viên nhanh chóng thích ứng với những thách thức và phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, đóng góp của các tổ chức quốc tế và khu vực.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhận định trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ bất ổn của thế giới cũng như những hạn chế trong khả năng ứng phó của thế giới trước những thách thức toàn cầu, đặc biệt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình xung đột, bạo lực chưa có hồi kết ở nhiều khu vực.
Đặt nguyên nhân gốc rễ của xung đột tại trung tâm, giải quyết tổng thể thay vì đơn lẻ
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong thế kỷ qua đã tạo nên cú sốc khiến nhiều cuộc xung đột ở châu Phi trở nên trầm trọng, tình trạng đói nghèo toàn cầu lần đầu tiên gia tăng trở lại sau nhiều thập kỷ, nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn hoành hành, tác động sâu sắc tới cuộc sống của người tị nạn và những người bị buộc rời khỏi nơi cư trú. Nhiều bất ổn có nguồn gốc sâu xa từ nghèo đói kéo dài, mất an ninh nguồn nước, lương thực, biến đổi khí hậu, trong khi các hành động chính trị cường quyền, cưỡng ép, áp đặt đơn phương và những vi phạm luật pháp quốc tế cũng đặt nền hòa bình và an ninh quốc tế trước nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng chính đáng của loài người, thay vì xung đột và chủ nghĩa đơn phương; chưa bao giờ nhu cầu tăng cường hợp tác đa phương và quốc tế lại mạnh mẽ và rõ ràng đến vậy; do đó, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bối cảnh đầy bất ổn như trên sẽ đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, bao trùm và có hệ thống, ở tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình và với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Theo ông, bất kỳ giải pháp lâu dài nào cũng cần phải đặt nguyên nhân gốc rễ của xung đột tại trung tâm và những nguyên nhân đó phải được giải quyết một cách tổng thể thay vì đơn lẻ; phát huy mạnh mẽ năng lực tự chủ quốc gia với sự hỗ trợ phù hợp, tùy thuộc theo hoàn cảnh của cộng đồng quốc tế; các nước đang phát triển và các quốc gia gặp bất ổn cần được hỗ trợ đầy đủ nguồn lực, tiếp cận thị trường và tăng cường năng lực trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh rằng, là cơ quan đóng vai trò chính trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an cần theo đuổi cách tiếp cận toàn diện và bao trùm, duy trì đoàn kết và khả năng ứng phó, và tăng cường hợp tác với các cơ quan LHQ khác và các tổ chức khu vực để tạo nên những thay đổi tích cực trên thực địa; tận dụng hiệu quả các công cụ như hỗ trợ ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, kiến tạo, gìn giữ và xây dựng hòa bình; quan tâm đích đáng đến việc giải quyết những hệ lụy của xung đột đối với cuộc sống của con người và phát triển bền vững, như xử lý vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Các nguy cơ gây bất ổn có mối quan hệ liên thông và do vậy, hệ thống đa phương với LHQ đóng vai trò trung tâm cần tiếp tục là cơ chế quan trọng để điều phối nỗ lực ở cấp độ toàn cầu; đồng thời, các quốc gia cần tăng cường cam kết tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam luôn thấu hiểu sâu sắc những nguy cơ đối với hòa bình trong các bối cảnh dễ trở nên bất ổn, dù là trước, trong, hay sau xung đột, dù là những thách thức mới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay những cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế khác.
Nhân dịp này, Thứ trưởng nhấn mạnh trong vai trò thành viên tích cực của ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam tiếp tục ưu tiên tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, đặc biệt liên quan đến vấn đề ngăn ngừa xung đột và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế vì một thế giới tốt đẹp, ổn định hơn.
Bối cảnh dễ trở nên bất ổn (Fragile Contexts) là thuật ngữ được sử dụng nhiều bởi các thể chế tài chính quốc tế có chức năng cung cấp viện trợ cho phát triển, chưa từng được thảo luận tại HĐBA, song đã được đề cập trong nhiều văn kiện, thảo luận của HĐBA về các vấn đề khu vực, đặc biệt là Châu Phi và hầu hết các vấn đề chủ đề cụ thể như nạn đối do xung đột, dịch bệnh, người tị nạn, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố...
Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các nỗ lực chung của HĐBA đối phó với các mối đe dọa đến hòa bình an ninh quốc tế trong các bối cảnh dễ trở nên bất ổn, dù trước, trong hay sau xung đột, dù đối mặt với những thách thức mới nổi như biến đổi khí hậu, đại dịch hay các cuộc khủng hoảng quốc tế và khu vực, trong đó có các cuộc Thảo luận mở trực tuyến cấp cao của HĐBA về Biến đối khí hậu và An ninh ngày 24/7/2020, về “Đại dịch và các thách thức đối với giữ vững hòa bình” ngày 12/8/2020, về “Xây dựng và Giữ vững hòa bình: Các tác nhân đương đại dẫn đến xung đột và mất an ninh" ngày 3/11/2020.
Trong các phiên thảo luận, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp các nội dung thuộc quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển, các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, người tị nạn, tội phạm xuyên biên giới… như kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này, trong đó nổi bật là sáng kiến về việc thúc đẩy Đại Hội đồng LHQ khóa 75 quyết định thành lập “Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh” vào ngày 27/12 hàng năm nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về phòng chống dịch bệnh.