Việt kiều bị hành hung giữa chợ ở Đồng Nai: Tỷ lệ thương tật không thống nhất

An Dương| 28/03/2019 10:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một Việt kiều quốc tịch Hà Lan bất ngờ bị đánh giữa chợ phải nhập viện cấp cứu. Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã thụ lý nhưng không khởi tố vụ án vì kết quả giám định tỷ lệ thương tật ba lần khác nhau. Và người bị hại liên tục gửi đơn khiếu nại.

Loay hoay với… ba lần giám định

Theo Thông báo “kết quả giải quyết vụ việc” số 07 ngày 27/2/2019 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)

, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 7/10/2018, bà Nguyễn Thị Diện (SN 1954, quốc tịch Hà Lan) đi bộ ra chợ Phước An, huyện Nhơn Trạch để mua đồ. Tại đây, bà Diện tranh cãi chuyện tranh chấp đất đai với Nguyễn Ngọc Điệp (SN 1994, ngụ ấp Vũng Gấm, xã Phước An). Lúc này, bà Nguyễn Kim Lãnh (SN 1957, mẹ bà Điệp) chạy đến dùng tay tấn công vào mặt bà Diện. Bà Diện chống lại, hai người vật lộn té ngã xuống nền sân bê tông. Lúc này người dân can ngăn, bà Diện được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Diện được sơ cứu tại bệnh viện địa phương rồi được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh điều trị. Các vết thương gồm xuất huyết 3 chỗ tại vùng đầu, sưng đỏ 2 mắt, đa chấn thương ở vùng mặt, ngực…

Theo tố giác của bà Diện, bà Nguyễn Ngọc Điệp có tham gia dùng ghế nhựa đánh vào vùng đầu và khắp người của bà. Từ đó, bà Diện đề nghị Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với mẹ con bà Lãnh để xử lý về hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

Việt kiều bị hành hung giữa chợ ở Đồng Nai: Tỷ lệ thương tật không thống nhất

Bà Nguyễn Thị Diện bị hành hung phải nhập viện

Ngày 9/10/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch đã trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai giám định tỷ lệ thương tật đối với bà Nguyễn Thị Diện. Theo Bản giám định pháp y số 0810, kết luận tỷ lệ thương tật là… 1%. Bà Diện kêu cứu, đến tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai giám định bổ sung. Ngày 16/11/2018, Trung tâm Pháp y ban hành Bản kết luận giám định số 0922/TgT/2018, xác định “Tỷ lệ tổn thương cơ thể (áp dụng phương pháp cộng lùi) do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 14%”. Đối chiếu quy định pháp luật, kết quả này cho thấy đủ yếu tố khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”.

Gần hai tháng sau, ngày 9/1/2019, Cơ quan CSĐT tiếp tục trưng cầu Viện pháp y quốc gia phân viện miền Nam giám định. Kết quả giám định lần 3, tỷ lệ thương tật của bà Nguyễn Thị Diện chỉ là… 0%. Từ đó, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch ký Thông báo số 07 gửi bà Diện xác định hành vi đánh người của bà Nguyễn Kim Lãnh không cấu thành tội phạm. Công an huyện trả lại hồ sơ cho Công an xã Phước An ra quyết định xử phạt hành chính bà Lãnh theo pháp luật.Thông báo trên bị bà Diện phản ứng gay gắt, khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.

Cần thực hiện đúng thẩm quyền

Theo dõi vụ việc, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhận định có rất nhiều bất thường. Theo đó, bà Nguyễn Thị Diện là người nước ngoài có quốc tịch Hà Lan, Công an huyện Nhơn Trạch không có thẩm quyền trong việc thụ lý đơn tố giác tội phạm được nêu rõ tại điểm b, khoản 5, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2015. “Cơ quan điều tra cấp tỉnh mới là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, còn Công an huyện không có chức năng được quy định trong Bộ luật TTHS”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Việc Công an huyện Nhơn Trạch căn cứ vào kết quả “tỷ lệ thương tổn” 0% vào lúc giám định ngày 9/1/2019 để không khởi tố vụ án hình sự, luật sư Trần Hải Đức cho rằng “rất không khách quan”. Thời điểm bà Diện bị tấn công, gây thương tích là ngày 7/10/2018, tỷ lệ thương tật cơ thể được giám định là 14% là có cơ sở, phù hợp với các vết thương thể hiện tại hồ sơ bệnh án. Đến hơn 3 tháng sau (tháng 1/2019), khi sức khỏe người bị hại đã hoàn toàn bình phục, Cơ quan CSĐT lại đưa đi giám định rồi sử dụng kết quả này để cho rằng hành vi bà Lãnh không cấu thành tội phạm là chưa toàn diện, có dấu hiệu bỏ sót người lọt tội.

Ngoài ra, theo Điều 65 Bộ luật TTHS 2015, người tố giác được nhận “Thông báo kết quả giải quyết tố giác”. Trong khi đó, Công an huyện Nhơn Trạch lại ban hành “Thông báo kết quả giải quyết vụ việc” là sai vì “vụ việc” chỉ áp dụng cho hoạt động tố tụng dân sự, Luật sư Đức bày tỏ.

Vẫn theo Luật sư Đức thì đã có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình thụ lý vụ việc, từ sự khác nhau về tỷ lệ thương tật trong các kết luận giám định đến thẩm quyền giải quyết quy định tại Bộ luật TTHS. Thiết nghĩ Cơ quan CSĐT, VKSND huyện Nhơn Trạch cần thận trọng xem xét lại vụ việc để xử lý một cách công tâm, khách quan, đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt kiều bị hành hung giữa chợ ở Đồng Nai: Tỷ lệ thương tật không thống nhất