Viện thẩm mỹ tự ý dùng hình ảnh của khách hàng để quảng cáo, phải làm sao?

LS Ngô Thị Thủy (Công ty luật Interla)| 10/03/2021 08:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc sử dụng hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó là vi phạm đến quyền nhân thân, cá nhân có quyền khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi.

Hỏi: Vừa qua tôi có tiến hành thẩm mỹ ở một Viện thẩm mỹ, việc này với tôi rất tế nhị nên không muốn mọi người biết đến. Tuy nhiên, hôm qua trên đường đi tôi thấy Viện thẩm mỹ này sử dụng hình ảnh của tôi để quảng cáo dịch vụ. Xin hỏi việc Viện thẩm mỹ này tự ý sử dụng hình ảnh của người khác để quảng cáo dịch vụ mà chưa được sự đồng ý của người đó thì bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp này, người bị lấy hình ảnh có thể khởi kiện chủ cơ sở hay không?

Nguyễn Như Quỳnh, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 đã khẳng định “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Đây là sự ghi nhận của nhà nước về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bản thân mình được cụ thể hóa tại Điều 32 BLDS 2015. Quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân bao gồm:

+ Quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình;

+ Quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình;

+ Quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của cá nhân trước hành vi sử dụng hình ảnh trái phép.

tham-my-vien.jpg

Vì vậy, việc sử dụng hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó là vi phạm đến quyền nhân thân của họ. Khi nhận thấy quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định (Khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015):

+ Buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh;

+ Bồi thường thiệt hại (Chứng minh được thiệt hại) theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự và Khoản c, điểm 3.3 Mục 3, Phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì: người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút) và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.

Do đó, để bảo vệ quyền nhân thân của mình, người bị xâm hại hoàn toàn có thể khởi kiện tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép hình ảnh của mình ra Tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi chứng minh được những vi phạm đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện thẩm mỹ tự ý dùng hình ảnh của khách hàng để quảng cáo, phải làm sao?