Trước đó, bệnh nhi T.T (4 tuổi, ở xã Vĩnh Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) do chảy nước mũi kèm theo máu, ho, đau đầu.
Theo lời kể của người nhà, trước khi nhập viện, bé T. có biểu hiện chảy nước mũi vàng, ho kèm sốt 37,5 - 38 độ C liên tục trong 3 tháng nay. Gia đình chủ quan, cho rằng bé chỉ viêm họng thông thường nên tự đi mua thuốc về cho con uống.
Sau khi uống thuốc, bé T. có đỡ sốt, nhưng chỉ sau một vài ngày lại sốt trở lại kèm chảy mũi, ho như trước. Đến ngày 31/10, khi đang chơi, bé kêu khó thở và chảy máu mũi phải nên gia đình đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Sau 30 phút nội soi, các bác sĩ đã lấy ra dị vật là một viên bi nhựa có đường kính 0,5cm từ hốc mũi phải của bệnh nhi.
Các bác sĩ gắp dị vật ra khỏi hốc mũi bé. Ảnh: BVCC
Theo các bác sĩ, viên bi nhựa là nguyên nhân gây viêm loét nặng hốc mũi. Sau khi được vệ sinh sạch sẽ và cầm máu hốc mũi, bệnh nhi được chỉ định nhập viện điều trị tình trạng viêm hốc mũi sau gắp dị vật.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ có con nhỏ, nên chú ý quan sát những biểu hiện bất thường của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện khám, không nên tự ý điều trị tại nhà. Các trẻ nhỏ thường hay tự nhét đồ chơi vào tai, mũi hoặc ngậm nuốt khi chơi, vì vậy khi mua đồ chơi cho trẻ nên tránh các đồ chơi nhỏ, tròn và các đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Một số trường hợp trẻ hóc dị vật có thể nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy cha mẹ nên tự trang bị những kiến thức sơ cứu, cấp cứu cơ bản khi trẻ hóc, mắc dị vật đường thở để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.