Việc xây dựng không phép tại phố cổ Hà Nội: Chẳng lẽ … “bó tay”?

Nhóm PV| 03/05/2019 08:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù chính quyền quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xác định có hành vi xây dựng không phép nhưng lại thiếu kiên quyết đình chỉ xây dựng, không ban hành quyết định xử phạt … nên vi phạm này vẫn tồn tại, thách thức dư luận.

Báo Công lý nhận được đơn của bà Phạm Thị Hạnh, thường trú tại số nhà 11 Hàng Bè, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phản ánh: Đầu năm 2019,  bà Hạnh cho bà Đào Thị Yến thuê nhà số 11 Hàng Bè. Theo đó, bà Hạnh cho bà Yến  thuê nhà để kinh doanh mặt hàng ăn uống với thời gian là 5 năm (từ 09/01/2019). Hợp đồng thuê nhà thể hiện bên thuê “được phép sửa chữa, lắp đặt các thiết bị phục vụ cho kinh doanh khi được sự đồng ý của bên A (bà Hạnh) và bảo đảm sự an toàn, diện tích của ngôi nhà” .

Tuy nhiên, ngay sau khi thuê, bà Yến đã tự ý đào móng bổ trụ, thay đổi kết cấu toàn bộ ngôi nhà để xây dựng và cơi nới thêm 4 tầng trên nóc nhà của bà giữa khu phố cổ (nguyên bản là nhà hai tầng mái ngói). Việc bà Yến xây dựng trái phép thêm 4 tầng gây ra tình trạng cực kỳ nguy hiểm vì ngôi nhà có thể sập đổ bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng, tài sản trong toàn khu vực. Khi bà Hạnh yêu cầu bà Yến dừng thi công trái phép, trả lại nguyên trạng thì bà Yên không cho dừng mà tiếp tục xây dựng trái phép và hiện vẫn đang hoàn thiện công trình.

Phóng viên Báo Công lý đã liên hệ với UBND phường Hàng Bạc, tuy nhiên đã nhiều ngay trôi qua nhưng vẫn không hồi âm. Ngày 2/5/2019, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thạch Tâm, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết vụ việc này đã được UBND quận Hoàn Kiếm ban hành quyết định xử lý.

Tài liệu liên quan đến việc xử lý vi phạm thể hiện: Ngày 16/4/2019, UBND phường Hàng Bạc ban hành Thông báo số 263/TB-UBND về việc giải quyết đơn thư tại số 11 Hàng Bè. Theo thông báo thì UBND phường có nhận được đơn của bà Yến về việc xin sửa chữa nhà ở tại số 11 Hàng Bè với nội dung “thay thế sửa chữa mái tôn cũ hư hỏng và cải tạo sửa chữa hạng mục không ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà”.

Thông báo này cũng nêu nội dung sau khi bà Hạnh có đơn, UBND phường “đã kiểm tra yêu cầu hộ bà Yến đình chỉ thi công”. Đáng chú ý, tại thời điểm ban hành thông báo, hộ bà Yến cũng không xuất trình được giấy phép xây dựng. UBND phường Hàng Bạc đã yêu cầu trong 10 ngày, hộ bà Yến phải tự giác tháo dỡ các hạng mục cải tạo xây dựng tại số nhà nói trên và nếu hộ bà Yến không tự giác thực hiện, UBND phường sẽ tổ chức tháo dỡ theo quy định.

Việc xây dựng không phép tại phố cổ Hà Nội: Chẳng lẽ … “bó tay”?

Mặt trước công trình xây dựng không phép được che chắn khi thi công

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Hạnh thì thông báo này không có giá trị trên thực tế và hộ bà Yến vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình mà chính quyền phường không có biện pháp tổ chức tháo dỡ như đã nêu trong thông báo.

Vụ việc bị kéo dài cho đến ngày 25/4/2019, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”. Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm xác định hành vi vi phạm hành chính cần được khắc phục là xây dựng công trình không phép mà cụ thể là phải tháo dỡ toàn bộ phần xây dựng không phép từ tầng 1 đến 5 trên diện tích khoảng 280 m2. UBND quận Hoàn Kiếm cũng buộc người vi phạm phải khôi phục và trả lại về hiện trạng ban đầu của ngôi nhà tại 11 Hàng Bè phần diện tích tầng 2. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được ấn định từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên, chẳng hiểu “quy trình” tống đạt quyết định này thế nào nhưng đã nhiều ngày qua, công trình không phép này vẫn tồn tại.

Theo Luật sư Bùi Đình Ứng ( Đoàn LS Tp Hà Nội) thì việc UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND tồn tại nhiều vấn đề về pháp lý cần được xem xét. Theo đó, hành vi vi phạm “xây dựng không phép” đã được xác định rõ ràng là mới xảy ra ngay trong khu phố cổ được quản lý rất chặt của Thủ đô. UBND quận nêu ra lý do không ra quyết định xử phạt “do quá thời hạn hành ban hành Quyết định xử phạt hành chính quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính” là thiếu thuyết phục. Bởi lẽ, theo Điều 6 của Luật XLVPHC, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm. Ở trường hợp này, vi phạm của bà Yên xảy ra từ tháng 1/2019 nên đến tháng 1/2020 mới hết thời hiệu xử phạt. Hơn nữa, về thời hạn thì Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB- VPHC vào ngày 31/01/2019. Tuy nhiên UBND quận không ban hành quyết định xử phạt vi phạm theo quy định là không tuân thủ pháp luật. Việc để quá thời hạn không xử phạt mà chỉ quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là không chính xác và không thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Đáng quan tâm hơn cả là vi phạm đó đang trực tiếp xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của bà Hạnh. Vẫn theo Luật sư Ứng thì thực tế không thiếu gì biện pháp cưỡng chế để đình chỉ, kể cả việc cắt điện, nước và kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ… Bà Hạnh thì bức xúc khi xác định rõ vi phạm mà chính quyền không xử lý ngay theo quy định và đặt nghi vấn, chẳng lẽ chính quyền phải “bó tay” hay có gì đó khuất tất (!?).

Vẫn theo Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, vì chưa hết thời gian 15 ngày theo quyết định của UBND quận nên phường chỉ yêu cầu dừng công trình và có biện pháp khắc phục. Kể cả chưa khắc phục thì cũng phải đủ 15 ngày khi hết thời hạn thì UBND phường mới có văn bản đề nghị với UBND quận. Sau đó căn cứ vào báo cáo của phường thì UBND quận sẽ ra quyết định cưỡng chế và UBND phường sẽ tổ chức cưỡng chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc xây dựng không phép tại phố cổ Hà Nội: Chẳng lẽ … “bó tay”?