Chiều nay (23/1), bên hành lang Đại hội Đảng XII, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng đã có một số chia sẻ, làm rõ thêm về công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng trả lời phỏng vấn báo chí
Trước hết, về dự kiến số lượng ủy viên Trung ương chính thức tăng lên và ủy viên dự khuyết giảm, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết: Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, có nhiều ý kiến cho rằng nên nâng số lượng nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương lên vì có nhiều nhiệm vụ phát triển, đặc biệt trong Đảng có những bộ phận mới thành lập thêm như Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, do đó cần thêm ủy viên Trung ương, cũng có ý kiến là không cần thêm nhiều, 200 đồng chí là được.
Do đó đã dự kiến tăng ủy viên chính thức từ 175 lên 180, và ủy viên dự khuyết từ 25 xuống còn 20, giữ nguyên số lượng.
Đây lần đầu tiên Trung ương có quy hoạch cán bộ chiến lược, tức là quy hoạch các đồng chí Trung ương từ đó luân chuyển đào tạo, mở 6 lớp liền đào tạo cán bộ chiến lược tại Học viện Chính trị quốc gia, do đó công tác nhân sự chuẩn bị chặt chẽ, thấu đáo hơn, từ dưới cơ sở lên.
Về tiêu chí cụ thể để bầu Ban Chấp hành Trung ương, theo Thượng tướng Võ Tiến Trung: Tiêu chí Ủy viên Trung ương đó là các đồng chí có năng lực trí tuệ, có phẩm chất đạo đức, có trách nhiệm với đất nước và có tư duy chiến lược với đất nước rất cụ thể… Chính Ban Chấp hành Trung ương đã bám vào phương hướng nhân sự này và đặc biệt là Bộ Chính trị và Trung ương 11 đưa ra chỉ tiêu không để lọt người cơ hội, thiếu phẩm chất đạo đức, hoặc đơn vị để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, mất đoàn kết hoặc trù dập cán bộ thì không thể vào được Ban Chấp hành.
Việc hồ sơ chuẩn bị của đại biểu tự ứng cử cũng được Thượng tướng Võ Tiến Trung phân tích rõ: Đồng chí nào tự ứng cử thì chuẩn bị hồ sơ, đã có hướng dẫn rất lâu rồi gửi tới các đoàn. Ứng cử có hồ sơ về lý lịch trích ngang, nhận xét của địa phương, hồ sơ này không có gì phức tạp. Cuối năm bất cứ đảng viên nào đều có bản kiểm điểm, nhận xét của địa phương nơi cư trú, cái đó có sẵn rồi, chỉ làm thêm bản lý lích trích ngang, chỉ có việc giới thiệu người mới, ví dụ tôi giới thiệu đồng chí nào vào BCH Trung ương thì tôi phải có trích ngang và tôi báo cáo trước Trung ương, trước đại hội về đồng chí đó, đồng chí đó phải cung cấp hồ sơ để các đại biểu đọc và xem xét có xứng đáng không.
Về vấn đề này Thượng tướng Võ Tiến Trung cũng nhấn mạnh thêm, quyền tự ứng cử là hoàn toàn tự do, trong điều lệ đảng quy định rất rõ, người nào ứng cử thì gửi đơn ứng cử lên đại hội, kèm theo đó là lý lịch, nhận xét của địa phương và gửi lên Đại hội. Kể cả đại biểu dự Đại hội giới thiệu đồng chí ứng cử Ban Chấp hành tại đại hội này vẫn được tiến hành bình thường. Đại biểu chỉ cần giới thiệu nộp đoàn, có thể giới thiệu đồng chí xứng đáng, vì không chuẩn bị kịp hồ sơ thì Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm báo về nơi cư trú của đại biểu đó khẩn trương gửi hồ sơ lên.
Liên quan đến vấn đề tái cử các trường hợp “đặc biệt” trước câu hỏi “Những hãng tin tức quốc tế có nêu lên 2 tên ứng viên cho chức Tổng Bí thư là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông có nghe tin đó không, và ông có bình luận gì"? Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết cụ thể: “Các đồng chí vào TƯ lần này mà được Ban Chấp hành Trung ương 11 giới thiệu đều qua rất nhiều vòng, giới thiệu từ cơ sở, giới thiệu tại Ban Chấp hành, Bộ Chính trị bỏ phiếu, được rồi mới ra Trung ương chính thức giới thiệu. Trong đó lần này, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu thêm 5 đồng chí quá tuổi, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở lại để mang tính chất kế thừa, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là giữ đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Đồng thời có 4 đồng chí đặc biệt ở Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Quốc hội, mà vị trí đó chưa có người thay thế, thì ở lại. Còn lại tất cả các đồng chí Trung ương quá tuổi, mà tôi rất khâm phục là có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị lớn tuổi, đều xung phong rút ra khỏi Bộ Chính trị để tạo điều kiện cho lớp trẻ.
Tại Hội nghị Trung ương, có nhiều ý kiến nên để thêm 4 đồng chí ở lại nhưng các đồng chí thống nhất với nhau rất cao là rút ra khỏi Bộ Chính trị, để một mình đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại để đảm bảo tính kế thừa. Tôi đánh giá rất cao các đồng chí đó.
Với những người tự nguyện xin rút, Hội nghị Trung ương 14 cũng làm rất dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút mà đưa ra trước Trung ương bỏ phiếu kín. Cả 4 đồng chí, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được Ban Chấp hành Trung ương XI cho rút”.
Từ đó, Thượng tướng Võ Tiến Trung khẳng định: Những điều mạng xã hội bên ngoài nói các đồng chí trong Bộ Chính trị tham quyền cố vị, phái này phái kia đều không đúng. Các đồng chí trong Bộ Chính trị thống nhất rất cao giới thiệu một đồng chí ở lại, Trung ương ca ngợi điều này.