Ngày 4/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường Báo cáo của Chánh ánTANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chính phủ… về công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Chưa phát hiện án oan
Thẩm tra các báo cáo, UBTP cho rằng, năm 2019, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.
UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2019, TAND các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới trong hoạt động xét xử và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2018, tiếp tục đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp án phải hủy, sửa do lỗi chủ quan hoặc một số trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định; Số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với bản án của TAND cấp huyện ít hơn nhiều so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh.
UBTP nhận thấy, năm 2019, TANDTC đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp, qua đó chất lượng giải quyết các vụ, việc dân sự tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Công tác giải quyết án hành chính, Tòa án đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế tồn tại. Về cơ bản đã khắc phục tình trạng án quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của Tòa án. UBTP cũng đề nghị TANDTC đánh giá rõ những nguyên nhân của những hạn chế này và có giải pháp khắc phục, nhất là khắc phục việc một số Thẩm phán còn e ngại, nể nang trong xét xử án hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 59%). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa giảm và chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
UBTP cũng đánh giá, công tác giám đốc thẩm, tái thẩmTANDTC đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, qua đó nâng cao chất lượng công tác này. Kết quả, tỷ lệ giải quyết đạt 51%, tăng 13% so với năm 2018; đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 491 vụ, khắc phục những sai sót của TAND cấp dưới và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Quốc hội, vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài do việc giải quyết đơn chưa kịp thời…Vì vậy TANDTC cần phải lưu ý việc này.
Tòa án cần tập trung thực hiện 14 giải pháp
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐB) bày tỏ đồng tình với những kết quả mà các cơ quan tư pháp thực hiện trong năm 2019, thể hiện bằng những việc đã kéo giảm một số việc xử lý và giảm một số loại hình tội phạm xuống mức thấp, có những tội phạm giảm xuống bằng nửa so với cùng kỳ năm trước.
ĐB Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc cho rằng, Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC đã đề cập khá toàn diện các mặt hoạt động như công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, công tác chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Các hoạt động này tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường đã góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Báo cáo của Chánh án TANDTC đã nêu bật được các mặt hoạt động của Tòa án, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân cũng như công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo ĐB Hà, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng phức tạp, nhiều vấn đề mới nhưng chưa có giải pháp xử lý có hiệu quả. Tình trạng người bị chết trong tạm giữ, tạm giam nhiều hơn năm trước. Còn có nhiều điều tra viên vi phạm trong quá trình điều tra. Những tồn tại, hạn chế trên do trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ…
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) phát biểu tại hội trường
Báo cáo của Chánh án TANDTC cũng đã chỉ ra tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong năm 2019 và những nguyên nhân tồn tại. Vậy nên, đề nghị TANDTC cần chỉ đạo các Tòa án tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, giải đáp kịp thời các vướng mắc về nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Kiện toàn đội ngũ công chức của các tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán ở Tòa án cấp huyện…
Theo ĐB Mai Khanh- Ninh Bình, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, việc giao chỉ tiêu là cần thiết để làm căn cứ đôn đốc hoàn thành nhiệm vụ, nhưng có một số chỉ tiêu khi giao cũng cần phải tính toán. Ví dụ, giao chỉ tiêu cho ngành Tòa án, như về chỉ tiêu giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, có thể nói đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu này cho ngành Tòa án.
ĐB Khanh cho rằng, Quốc hội nên cân nhắc khi giao chỉ tiêu này cho Tòa án, bởi lẽ, Tòa án giải quyết các vụ án phải chấp hành rất nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn tố tụng, rất chặt chẽ. Nếu giao như vậy, vào những thời điểm nhất định có thể thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn còn nhưng chỉ tiêu Quốc hội giao sẽ không hoàn thành.
Quốc hội cũng cần tính đến hiện nay ngành Tòa án đang đứng trước áp lực về tinh giản biên chế mà số lượng vụ án tăng đều hàng năm khoảng 20%, trong khi số lượng cơ cấu ngạch Thẩm phán chỉ bằng một nửa so với Điều tra viên và Kiểm sát viên. Do đó, đây là áp lực vô cùng lớn đối với Thẩm phán, nhất là trong bối cảnh các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền con người và quyền công dân đang phải thực hiện hết sức thận trọng.
Vậy nên ĐB Khanh kiến nghị, nên cân nhắc, xem xét để việc giao chỉ tiêu giải quyết về các vụ án cho nội bộ ngành điều chỉnh bằng các hoạt động thi đua, Quốc hội thực hiện việc giám sát.
Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường- Quảng Bình cũng cho rằng chủ trương tinh giản biên chế là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên hiện nay các cơ quan tư pháp nước ta đang đứng trước thực trạng số lượng án ngày càng gia tăng; Các luật mới về tổ chức, về tố tụng đã giao nhiều chức năng, nhiệm vụ mới với yêu cầu ngày càng cao, về bảo đảm quyền con người, về nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp... Do đó, việc tinh giản biên chế cần có sự cân nhắc, không đánh đồng giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức khác, ĐB Cường nhấn mạnh.
ĐB Đào Tú Hoa- Hà Nội dẫn chứng thêm: Thực tiễn cho thấy số vụ án tăng hàng năm, trong khi đó, số lượng biên chế 15.237 người được UBTVQH phân bổ từ năm 2012. Đến nay số lượng vụ việc giải quyết tăng gấp đôi thời điểm giao biên chế, nhưng lượng cán bộ, Thẩm phán không tăng.
Thực hiện tinh giản biên chế phải tinh giản 10% đội ngũ cán bộ, Tòa án các cấp đã tinh giản 1.336 người. Theo định mức xét xử để tính định biên, mỗi Thẩm phán xét xử 4-5 vụ/tháng. Nhưng thực tế, mỗi Thẩm phán phải giải quyết từ 9- 10 vụ/ tháng, có Tòa án, Thẩm phán phải xét xử nhiều hơn… Như vậy, mặc dù thẩm quyền được mở rộng, nhưng biên chế giảm như trên rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy đề nghị xem xét vấn đề này, ĐB Hoa nêu ý kiến.