Vị tướng già & những ký ức thời binh lửa

27/07/2012 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vị tướng ấy, như là một cuốn nhật ký đầy ắp dữ liệu về những chặng đường gian lao và cũng không kém phần bi tráng của người chiến sỹ Công an nhân dân...

Ông đã từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến thần thánh nối non sông liền một dải, và sau đó, lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào và Campuchia.

Bị thương vẫn nén đau truy kích địch

Trong căn phòng nhỏ, những câu chuyện theo dòng ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng (Chủ nhiệm Chính trị BĐBP) về cái thời xông pha lửa đạn lần lượt gọi nhau về, ăm ắp tự hào. Đôi lúc cũng buốt nhói xót xa như vết thương trên quai hàm và bên hông trái của ông vẫn rứt rẩm đau khi trời trở gió…

15-1-1972, chàng tân binh người Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) Nguyễn Xuân Quảng tình nguyện gia nhập vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Sau 3 tháng huấn luyện, được điều đi tăng cường về Công an nhân dân vũ trang Nghệ An. Tại đây, với sự gan dạ và mưu trí của mình, Nguyễn Xuân Quảng trở thành chiến sỹ trinh sát, có nhiệm vụ luồn sâu vào lòng địch để do thám tình hình địa bàn, cơ sở địch và các loại vũ khí để phục vụ cho các kế hoạch tập kích của ta.

Không chỉ có thế, ông còn là một chiến sĩ xạ thủ B40 thuộc phân đội K56, từng là nỗi kinh hoàng với những toán phỉ lúc công khai, khi trà trộn vào dân thường trong các bản Mèo đang lẩn khuất tại tỉnh Bôlykhamsay. Từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, những người lính mang quân hàm xanh đã thông thuộc từng cành cây, ngọn cỏ. Nào là Mường Chuồn, Mường Sằng, Phà Cạt hay Huổi Hổng, Kha Mạ… của tỉnh Bôlykhamsay, những cái tên mới nghe đã gợi lên những hình dung về sự thâm u, hoang vắng.

Sau năm tháng lăn lộn giữa rừng già, nhờ bản lĩnh gan dạ và nhiều sáng kiến, người lính trẻ Nguyễn Xuân Quảng được chọn vào phân đội trinh sát vũ trang làm nhiệm vụ do thám các điểm đóng quân của địch để phục vụ cho các trận đánh của ta. Ngay từ những ngày đầu tháng 7-1972, trong khi làm nhiệm vụ tại bản Huổi Hồng, Nguyễn Xuân Quảng cùng ba đồng đội khác đã bị thương vào phần mềm. Họ đã nén đau để tự sơ cứu cho nhau, buộc carô để cầm máu và lập tức rời bản ra rừng nằm để truy theo dấu vết địch.

Những tháng ngày chiến đấu trên đất nước anh em, những người lính Công an vũ trang đã phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ rình rập. Bọn phỉ thường phục kích đánh bất ngờ và gài mìn khắp nơi nên không tuần nào không có chiến sỹ bị thương.  Có những trận đánh nhỏ lẻ, cả tiểu đội chưa đầy mười người thì có đến  ba, bốn người hi sinh. Đồng đội kề bên nhau chia sẻ từng bi đông nước. Ác liệt đến nỗi, mỗi người trước khi lên đường làm nhiệm vụ đều mang theo trong ba lô một chiếc bao tử sỹ, những chiếc bao tử sỹ này sẽ trở thành quan tài khi ngã xuống giữa rừng dày sương lạnh. Rồi những ngày luồn rừng mà đi, mắc tăng võng, dựng lều bạt giữa rừng mà ngủ đã khiến cho các anh mắc căn bệnh sốt rét kinh niên, nhiều lần tưởng chết.

Vị tướng già & những ký ức thời binh lửa

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng đi thăm đồng bào dân tộc
 

Nhưng khi đã dũng cảm dấn thân để mà tồn tại giữa nơi rừng thiêng nước độc, súng đạn giao tranh khó lường thì hình như cái chết đối với họ không còn quan trọng. Khi cả nước dồn sức cho miền Nam ruột thịt thì các anh cũng đang chiến đấu trên một mặt trận cũng không kém phần ác liệt. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng nhớ lại thời kỳ ấy, suốt ba năm trời họ không hề bước chân về nước dù biên giới chỉ cách nơi đóng quân có hai, ba ngày đường. Thậm chí quân đội ta đã giải phóng đến tỉnh thứ 12 miền Nam Việt Nam mà họ cũng không hề biết.

Hoàn thành nhiệm vụ được giao trên đất bạn Lào, cũng như các quân binh chủng thuộc lực lượng vũ trang khác, lực lượng Công an nhân dân vũ trang cũng phát động tinh thần tình nguyện trong toàn quân xung phong tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Hàng ngàn cán bộ chiến sỹ đã viết đơn tình nguyện lên đường.

Những tháng ngày trên đất nước Chămpa

Tháng 3-1979, một tiểu đoàn Công an nhân dân vũ trang đi Campuchia được thành lập do đồng chí Hoàng Khúc làm Tiểu đoàn Trưởng. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng kể rằng, thời điểm đó, nước bạn vừa trải qua một cơn binh biến nồi da xáo thịt, suốt 4 ngày hành quân không nghỉ từ biên giới nước ta sang vùng Brêckbylia, ngã ba biên giới Lào, Thái Lan và Campuchia, những chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang tình nguyện gặp không biết bao nhiêu những miệng giếng lấp đầy đầu lâu người, những thửa ruộng ngổn ngang xác chết, những phum sóc vắng lặng tiêu điều không một bóng người, ai nấy đều lặng đi vì nỗi đau và cả niềm uất hận trước tội ác diệt chủng của Khơme đỏ. Các anh còn gặp rất nhiều đoàn người hồi hương lũ lượt tìm về quê cũ, có cảm giác như cả đất nước Campuchia đang trong một cuộc hành hương vượt qua đau khổ.

Trận đánh ác liệt nhất trong suốt 3 năm đóng quân tại Campuchia là trận tập kích của địch ngày 18-9-1979. Gần một tiểu đoàn tăng cường quân tinh nhuệ của địch mặc quần áo rằn ri tấn công vào chốt quân sự của ta từ bốn hướng, và rải quân phong toả. Cậy thế đông, chúng tưởng chắc thắng nên đưa theo cả dân binh để thu chiến lợi phẩm và liều lĩnh bò sát vào giao thông hào của ta. Phát hiện ra địch, đồng chí Nguyễn Xuân Quảng lập tức trực tiếp cầm đại liên nã liên tục vào đội hình địch nhằm thu hút hoả lực địch về phía mình để anh em có thời gian bố trí đội hình chiến đấu. Sau một giờ quần thảo, ta tiêu diệt được 7 tên địch. Phía ta có 3 người bị thương, trong đó có đồng chí Nguyễn Xuân Quảng. Sau trận đánh này, Thượng uý Nguyễn Xuân Quảng được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng II và được cấp trên điều đi học bổ túc cán bộ tiểu đoàn tại trường quân chính quân khu 5…

 Hồi tưởng lại những tháng ngày thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng kể rằng, khi ấy, kỷ luật quân đội đối với các chiến sỹ làm nhiệm vụ tình nguyện rất nghiêm ngặt. Không được lấy dù chỉ là cái kim sợi chỉ của nhân dân nước bạn. Toàn bộ lương thực, thực phẩm cho quân tình nguyện đều được mang từ Việt Nam sang, chỉ cho phép mình được hưởng ba thứ của nước bạn, đó là: không khí, nước và củi. Trong ký ức của ông về đất nước Campuchia, ngoài những trận đánh ác liệt trên biên giới nước bạn ra thì chỉ có những trảng rừng thốt nốt, rừng khộp xanh vô tận, nước suối chảy trong veo, hương củi nồng trong bếp sưởi đêm đông giá và không khí lúc nào cũng khét mùi súng đạn và cây rừng cháy. Thậm chí, đến cả những cô gái Campuchia đẹp dịu dàng như bông hoa Chămpa, cánh lính xanh nhà ta cũng chả mấy người tường mặt.

Vị tướng già & những ký ức thời binh lửa

Vị tướng cùng đồng đội từng tham gia mặt trận K5 ôn lại kỷ niệm
 

Đối với những đồng đội từng vào sống ra chết cùng nhau trên tuyến lửa Campuchia, thì Nguyễn Xuân Quảng là một quả lựu đạn luôn sẵn sàng khạc lửa khi vào trận, không để địch có cơ hội trở tay. Có những trận đánh trực diện, dù đã bị thương nhưng ông vẫn bền bỉ chiến đấu, khích lệ tinh thần anh em không lùi bước để bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao. Khi chiến đấu thì nhất định không khoan nhượng, không cho phép ai hèn nhát, vậy mà lúc thường thì lại rất thương anh em, thường xuyên gần gũi, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của người lính xa nhà và cả phút yếu lòng của đồng đội…

Giờ đây, trên cương vị Chủ nhiệm chính trị của BĐBP, điều làm Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng trăn trở nhất là làm thế nào để công tác giáo dục tư tưởng phát huy được hiệu quả của nó, đưa chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ tư lệnh Biên phòng vào thực hiện một cách nghiêm túc và tốt đẹp. Làm được điều này, không những chứng minh được chủ trương của Bộ tư lệnh là đúng mà còn để cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng phát huy được phẩm chất của người lính mang quân hàm xanh vốn đã quen đồng cam cộng khổ nơi biên cương xa thẳm, khơi dậy tình đồng chí đồng đội, ý thức trách nhiệm chia sẻ gian khó với nhau, từ đó tạo nên một khối đoàn kết để xây dựng lực lượng ngày một thêm vững mạnh.

Trong đôi mắt của vị tướng già, vẫn còn chất chứa nhiều dự định mới. Gương mặt của vị tướng bình thản như thể những điều ông tin tưởng rồi đây nhất định sẽ trở thành hiện thực. Trông ông tựa như gốc sa mộc giữa rừng, loài cây ôn đới chỉ quen tìm nơi đất cằn sỏi đá, lạnh cắt da cắt thịt mà bén rễ vươn cành, thân cao thẳng như mũi tên lao vào trời xanh.

Đặng Tuệ

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị tướng già & những ký ức thời binh lửa