Doanh nghiệp - Doanh nhân

Vì sao Việt Nam cần cải cách chính sách ưu đãi đầu tư?

Gia Khánh 10/03/2024 16:51

Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và phức tạp, môi trường kinh doanh quốc tế và đầu tư xuyên biên giới gặp nhiều thách thức, tình hình dòng vốn FDI toàn cầu biến động và có xu hướng suy giảm…vừa là sức ép những cũng vừa là động lực cần thiết để Việt Nam thực hiện cải cách chính sách ưu đãi đầu tư .

Những con số biết nói qua ba thập kỷ

Theo Bộ KH&ĐT, trong hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã liên tục nỗ lực thay đổi, hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư để phù hợp với tình hình và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ.

het_thang_8_co_98_1_dn_nop_thue_dien_tu_16101006092020.jpg
Việt Nam đã có gần 860.000 DN đang hoạt động và tăng qua các năm

Trong đó, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi thuế và các chính sách ưu đãi khác đã có những tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tăng tích lũy vốn, mở rộng sản xuất và thúc đây tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua. Lợi ích của chính sách khuyến khích thuế có thể được thấy qua những con số cụ thể như sau:

Số lượng DN đã đăng ký thuế và đang hoạt động tăng qua các năm: năm 2011 là 457.217 DN, đến năm 2017 là 561.064 DN và đến hết năm 2021, Việt Nam đã có gần 860.000 DN đang hoạt động.

Nhờ chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp, số lượng Khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Từ con số 01 KCN năm 1991, lên đến 260 KCN năm 2010, 326 KCN nam 2017 và 406 KCN năm 2022.

Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã không ngừng tăng. Cho đến nay, sau 35 năm, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Trong số này, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đến nay, 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương, vốn FDI cũng đã được đầu tư vào 19/21 ngành nghề sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực này luôn tăng trưởng ổn định. Khu vực ĐTNN cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010). Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực FDI đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách; năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào thu ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách nhà nước; năm 2021, khu vực FDI đóng góp vào thu ngân sách khoảng 9,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng thu NSNN.

1(2).jpg
Một số dự án FDI lớn đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam

Các ưu đãi thuế xuất nhập khẩu cũng đã giúp tăng doanh số xuất khẩu qua các năm. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 162 tỷ USD vào năm 2015 (gấp hơn 11 lần so với năm 2000) và 336 tỷ USD vào năm 2021 (gấp hơn 2 lần năm 2015). Trong đó, năm 2015, xuất khẩu từ lĩnh vực FDI chiếm hơn 63% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng từ 47% vào năm 2000. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 506,83 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 274 tỷ USD, tăng gần 28,5 tỷ USD.

Đặc biệt, một số dự án FDI lớn, thường được Chính phủ ban hành các ưu đãi thuế cao, như các dự án của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đã đóng góp mạnh mẽ vào xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu từ các dự án của Samsung tại Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất ấn tượng, xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, với sự tham gia mạnh mẽ của lĩnh vực FDI trong hoạt động xuất khẩu, xuất khẩu từ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã mở rộng nhanh hơn so với nhóm sản phẩm xuất khẩu truyền thống.

Cải cách: vấn đề cấp thiết

Theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, chính sách ưu đãi đầu tư chưa đa dạng, chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập mà hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí, theo đó chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các ưu đãi thuế dựa trên thu nhập có thể phản tác dụng do công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, điều này tạo ra các “kẽ hở” để các DN thực hiện các hành vi dịch chuyển lợi nhuận.

Trong khi đó, ưu đãi dựa trên chi phí là các ưu đãi giúp làm giảm chi phí sau thuế dùng để đầu tư, bao gồm khoản trợ cấp đầu tư, khấu hao nhanh, các khoản cấn trừ thuế và các khoản tương tự, hướng đến khuyến khích các khoản đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như nghiên cứu & phát triển, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, cũng như các ngành, nghề mũi nhọn theo chính sách của từng quốc gia.

3(1).jpg
Việc cải cách chính sách ưu đãi đầu tư là cấp thiết đối với Việt Nam.

Thứ hai, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí để khắc phục các nhược điểm của hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập. Ưu đãi dựa trên chi phí đã rất phổ biến và là các thông lệ hàng đầu trên thế giới trong nhiều năm qua ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và cũng đang trở thành xu hướng trong phát triển chính sách ưu đãi tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan,...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới có những thay đổi nhanh chóng cùng với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, chính sách ưu đãi của Việt Nam cũng chưa bắt kịp với chính sách thu hút đầu tư của các nước phát triển trong một số ngành công nghiệp mới nổi như bán dẫn, sản xuất xe điện, hydrogen.

Thứ ba, chính sách ưu đãi chưa đáp ứng yêu cầu trong bổi cảnh chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024. Theo đó, các chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành sẽ không còn nhiều ý nghĩa, gián tiếp ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là trong thu hút các Tâp đoàn, nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư này.

Thứ tư, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong Luật nhưng không có hướng dẫn cụ thể để triển khai nên chưa có tác dụng trong thực tế. Theo quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020, có 07 hình thức hỗ trợ đầu tư nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các hình thức hỗ trợ nêu trên do sự thiếu đồng bộ giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về NSNN.

Thứ năm, các ưu đãi thuế được quy định tại nhiều nhiều luật thuế khác nhau, gây ra vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi, áp dụng ưu đãi và gia tăng chi phí tuân thủ của DN. Sự phức tạp này có nguy cơ khiến cho việc thực thi các chính sách ưu đãi kém hiệu quả hơn và cản trở các nỗ lực cải cách chính sách. Theo nghiên cứu của OECD, việc hợp nhất các ưu đãi thuế thành một luật duy nhất sẽ góp phần làm tăng tính minh bạch, giảm nguy cơ chồng chéo tiềm ẩn trong việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ.

Trong bối cảnh như vậy cho thấy tính cấp thiết của việc cẩn phải cải cách chính sách ưu đãi đầu tư.

Đáng chú ý, theo Báo cáo Đầu tư thế giới 2023 (World Investment Report 2023) của UNCTAD, vốn đầu tư toàn cầu năm 2022 sụt giảm chỉ còn 1,3 triệu tỷ USD và dự báo tình hình sau năm 2022 có xu hướng suy giảm.

Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và phức tạp, môi trường kinh doanh quốc tế và đầu tư xuyên biên giới gặp nhiều thách thức, tình hình dòng vốn FDI toàn cầu biến động và có xu hướng suy giảm, trong khi đó, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia trong thu hút vốn ĐTNN ngày càng quyết liệt, nhiều nước đã có những động thái mạnh mẽ trong việc thu hút và duy trì vốn FDI; qua đó, tạo sức ép và động lực cần thiết để Việt Nam thực hiện cải cách chính sách ưu đãi đầu tư trong giai đoạn tới.

thue-toi-thieu-1680349761830841955569.jpg
Ảnh minh họa

Bộ này cũng thông tin, nhiều nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trợ cấp về đất đai, điện, nước, vốn đầu tư và thuế,... nhằm đưa dòng vốn FDI quay trở về nước, thúc đẩy nền kinh tế “tự chủ chiến lược ” hoặc phổi hợp với các quốc gia để xây dựng “mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, tự chủ về chuỗi cung ứng.

Đối với các nước đang phát triển nổi lên như một lựa chọn có thể thay thế Trung Quốc với chi phí vận hành, sản xuất thấp và chuỗi cung ứng có sẵn (như Ấn Độ, các nước Đông Nam Á ), cũng đang nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI.

Như Indonesia, nước này đã ban hành các chính sách ưu đãi mới như giảm thuế TNDN từ 22-25% trong năm 2020 xuống 20% vào năm 2022. Hay như Thái Lan, nước này cũng đã đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế TNDN trong 3 năm và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Và Malaysia cũng có những ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.

Ngoài ra, Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng lớn đến các chính sách ưu đãi thuế hiện hữu, đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư. Các quốc gia cũng đang có những toan tính và dự định riêng trong việc ban hành các chính sách để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó, tạo nên một cuộc đua mới về các chính sách ưu đãi “hậu Thuế tối thiểu”.

“Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi đa dạng, linh hoạt, bắt kịp với thông lệ quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu tại Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; đồng thời, giữ chân các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, qua đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bao trùm và bền vững”, theo Bộ KH&ĐT.

Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã xây dựng dự thảo “Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị” hiện Bộ này đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để sớm hòan thiện trình Chính phủ trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Việt Nam cần cải cách chính sách ưu đãi đầu tư?