Tồn đọng đơn giám đốc thẩm chưa giải quyết hết do quá nhiều, còn người dân vì tâm lý phải đến bằng được “phiên cuối cùng” nên dù Tòa đã xử đúng vẫn có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Nhận định của nhiều đại biểu tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng là một thực trạng hiện nay cần có biện pháp tháo gỡ.
Chủ yếu do nguyên nhân khách quan
Đề cập đến vấn đề này, Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh) đã nêu lên một thực trạng hiện nay, đó là: Năm vừa qua đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều qua thời gian, năm sau cao hơn năm trước và hiện còn tồn trên 10.000 đơn chưa được xem xét giải quyết.
Đại biểu cho rằng, do tâm lý người dân dường như thiếu niềm tin ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, chờ đợi, hy vọng ở cấp xét xử giám đốc thẩm sẽ làm thay đổi bản án, đồng thời cũng có nhận thức từ người dân cũng như các cơ quan nhà nước cho rằng giám đốc thẩm là một cấp xét xử thứ ba. Vì vậy, trừ những trường hợp vụ án được kháng nghị thì các cấp tòa ở dưới xét xử dù có đúng đến mấy người dân cũng có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Ngoài ra, còn có những vụ án xét xử nhiều lần từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm kéo dài nhiều năm liền, có trường hợp đương sự đã chết nhưng vẫn chưa có bản án, quyết định cuối cùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện gay gắt, kéo dài và không thi hành án được.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP.Hồ Chí Minh) chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình
Và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, tránh tình trạng đơn giám đốc thẩm quá nhiều trong khi việc xem xét trả lời bị quá tải, là câu hỏi mà đại biểu muốn Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, năm 2015, đơn giám đốc thẩm mà Tòa nhận được là 9.700 đơn, năm 2016 lên 13.600, năm 2017 lên hơn 18.000 đơn, số lượng tăng trung bình 15%/năm. Cho đến năm 2017, như đã báo cáo với Quốc hội trong báo cáo công tác năm thì Tòa án mới giải quyết được 39,3%, tức là 7000/18.000 đơn. Mặc dù năm 2017 giải quyết được nhiều hơn những năm trước (là 7.000 đơn) nhưng số lượng vẫn còn tồn nhiều. Số lượng tuyệt đối tăng lên nhưng tỷ trọng thì giảm xuống so với 2 năm trước.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó có nguyên nhân khách quan như đại biểu đã phân tích, nhiều đơn, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người dân vẫn cứ kiện với hy vọng giám đốc thẩm là một cấp xét xử.
Nhưng theo quy định thì giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, Hiến pháp đã quy định chỉ có 2 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Điều kiện để tái thẩm hoặc giám đốc thẩm thì không phải đơn nào cũng có thể giám đốc thẩm và tái thẩm được. Nếu không đủ các điều kiện ghi trong luật thì Chánh án TANDTC cũng không thể quyết định đưa vụ án ra giám đốc thẩm, tái thẩm được.
Giải pháp trước mắt…
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trước đây, theo quy định của luật, các Tòa án cấp tỉnh đều có thẩm quyền giải quyết đơn giám đốc thẩm. Như vậy, ngoài TANDTC, có 63 Tòa án cấp tỉnh giải quyết đơn giám đốc thẩm.
Hiện nay, theo quy định của luật mới, 63 đầu mối này không được quyền giải quyết đơn giám đốc thẩm mà dồn về cho 3 Tòa cấp cao. Chính điều này sẽ gây ra một áp lực lớn cho những Tòa cấp cao trong điều kiện nhân lực chưa tuyển đủ và kinh nghiệm cũng chưa cao.
Để khắc phục vấn đề này, TANDTC đã tiến hành nhiều giải pháp, đó là: Khẩn trương điều động và bố trí cho đủ số lượng Thẩm phán và biên chế của 3 Tòa cấp cao, khoảng 200 Thẩm phán được điều động từ các Tòa địa phương lên. Cho đến nay về cơ bản, nhân lực của 3 Tòa cấp cao đã được bố trí đủ, còn về năng lực sẽ tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao thêm.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội
Mặc dù đã điều động số lượng cán bộ, Thẩm phán như vậy, nhưng “dưới áp lực của số lượng lớn như thế, anh em làm ngày, làm đêm nhưng không thể đáp ứng được hết, tình hình này có thể còn kéo dài”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Ông cũng rất tâm tư khi nói rằng "điều động cán bộ đi rồi, các Tòa địa phương rất kêu, họ nói đang thiếu người mà nay còn lấy đi nên rất áp lực, chúng tôi cũng rất chia sẻ với các địa phương nhưng không còn cách nào khác".
Giải pháp nữa được đưa ra là các Tòa án áp dụng biện pháp tăng cường hòa giải trong các vụ án dân sự. Vì với việc các vụ án và đặc biệt là các vụ án dân sự mà nếu như dưới sự dẫn dắt của các Thẩm phán mà hai bên hòa giải được với nhau thì vụ án sẽ không có đơn thư, kháng nghị, kháng cáo, giám đốc thẩm, tái thẩm, phúc thẩm và vụ án sẽ không bị kéo dài, tạo đồng thuận của xã hội, đầu vào của đơn sẽ giảm.
Cùng với đó là đưa ra chỉ tiêu thi đua, mỗi một Thẩm phán hòa giải một vụ thì coi như chỉ tiêu thi đua đạt như giải quyết hai vụ án để khuyến khích.Tuy vậy, vẫn rất khó khăn trong việc giải quyết đơn, do việc người dân vẫn coi giám đốc thẩm như một cấp xét xử và kiện cầu may, mặc dù tỷ lệ kháng nghị rất thấp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm.