ĐHQGHN cho rằng, việc tập trung thêm nguồn lực, nhân lực... để triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, quan trọng, và cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN.
Trong hai năm 2015 và 2016, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ công tác tuyển sinh bậc ĐH hệ chính quy của ĐHQGHN đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục và được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, trong năm 2017, ĐHQGHN sẽ không tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL mà sẽ sử dụng kết quả các bài thi THPT quốc gia để phục vụ công tác tuyển sinh ĐH.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN
Thi ĐGNL là một bài thi tổng hợp dùng các câu hỏi chuẩn hóa, được thực hiện trên máy tính, mỗi thí sinh một đề riêng, thí sinh thi xong biết kết quả ngay. |
Ưu tiên tập trung điều kiện triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia
Có thể nói trong hai kỳ thi ĐGNL 2015 và 2016 phục vụ công tác tuyển sinh hệ ĐH chính quy của ĐHQGHN, phương thức ĐGNL đã làm tốt mục đích hạn chế tình trạng gian lận trong thi cử, tránh học lệch, học tủ, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như thời gian qua.
Mặc dù vậy, đến năm 2017, ĐHQGHN quyết định không tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL. Lý giải về quyết định được cho là khá bất ngờ này, trao đổi với báo chí ngày 12/12, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN cho biết: “Sở dĩ chúng tôi có lựa chọn này bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL chung mà ĐHQGHN đã triển khai trong thời gian vừa qua”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, ĐHQGHN đã xây dựng lộ trình đổi mới với nhiều giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất thiết kế bài thi đánh giá tổng hợp chung mang tính sàng lọc. Giai đoạn hai, hoàn thiện việc kết hợp các hình thức đánh giá, gồm đánh giá năng lực chung và đánh giá năng lực chuyên biệt cho các ngành đặc thù có nhu cầu riêng. Theo ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN, lộ trình này cần được triển khai phù hợp và hô ứng với tiến trình đổi mới của cả ngành nói chung. Thời gian hai năm qua mới triển khai được giai đoạn thứ nhất của quá trình đổi mới tuyển sinh. |
Do đó, ĐHQGHN cho rằng, việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia của Bộ là một việc cần thiết, quan trọng và mang tính quốc gia, và cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL (phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQGHN và nhóm các trường đã đăng ký xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này). Việc này cũng giảm tải, giúp cho thí sinh không phải thi hai kỳ thi có nhiều điểm giống nhau.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Kim Sơn, không tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL, “ĐHQGHN có điều kiện tập trung thực hiện các bước đổi mới tiếp theo, đi vào chiều sâu, theo lộ trình đã hoạch định trước đây và tiếp tục đóng góp vào công cuộc đổi mới của ngành trên chặng đường mới”.
Sẽ có công cụ đánh giá chuyên biệt sau bài thi ĐGNL chung
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, ĐHQGHN xác định công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là liên tục và lâu dài. Theo lộ trình đã xây dựng, việc đổi mới công tác tuyển sinh chia ra nhiều giai đoạn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn.
Qua hai năm tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh hệ ĐH chính quy của ĐHQGHN, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN đã thực hiện thành công hình thức cơ bản nhất nhằm sàng lọc, ĐGNL chung của thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh bậc đại học, đó là bài thi ĐGNL. Việc dùng bài thi ĐGNL chung trong điều kiện ban đầu là phù hợp, song theo ông, trong giai đoạn tiếp tho cần có những bài thi chuyên biệt cho một số ngành cho nhu cầu.
Để làm được việc này, thời gian tới, Trung tâm Khảo thí của ĐHQGHN tiếp tục tập huấn và huy động nhân lực để thiết kế các bài thi sàng lọc cho các kỳ thi chuyên biệt, phục vụ các chuyên ngành có đòi hỏi năng lực chuyên biệt. “Công cụ đánh giá chuyên biệt sẽ được sử dụng khi thí sinh đã tiến hành bài thi ĐGNL chung”, và “sẽ áp dụng vào một thời điểm thích hợp”, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Ngân hàng câu hỏi, phần mềm và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin sử dụng trong 2 kỳ thi ĐGNL 2015 và 2016 tiếp tục được khai thác, phục vụ cho những hoạt động nghiên cứu, triển khai của Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN trong thời gian sắp tới. ĐHQGHN đã chuyển giao mô hình, công nghệ, nguyên tắc và một phần ngân hàng đề (phục vụ kỳ thi ĐGNL) cho Bộ GD-ĐT theo thỏa thuận, nhiệm vụ được giao. Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực khảo thí, kiểm tra, đánh giá cùng nhiều nhân lực của ĐHQGHN đã và đang cùng tham gia một số việc theo sự phân công, huy động theo yêu cầu của Bộ. Về ngân hàng câu hỏi đã xây dựng trước đây, ĐHQGHN sẽ tiếp tục điều chỉnh sử dụng cho năm 2017 trên phương diện xét tuyển vào học các chương trình đào tạo đặc biệt hiện có ở ĐHQGHN như chất lượng cao, tài năng, tiên tiến… Về hạ hầng cơ sở và máy móc sử dụng trong 2 kỳ thi ĐGNL 2015 và 2016: Số máy tính tại sử dụng trong 2 kỳ thi trước được huy động từ nguồn có sẵn của các phòng máy dùng vào nhiều mục đích giảng dạy và học tập thường xuyên của ĐHQGHN và của các trường tham gia tổ chức thi. Chỉ có 300 máy tính chuyên dùng cho việc làm đề thi, thử nghiệm câu hỏi và tổ chức thi của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN. Với thí sinh có kết quả đạt chuẩn, chưa nhập học vào bất kỳ trường nào sau kỳ thi 2016: ĐHQGHN sẽ xem xét sử dụng kết quả của thí sinh này để phục vụ tuyển sinh năm 2017 một cách phù hợp và có thông báo cụ thể. |