Vấn đề quan tâm

Vì sao bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức?

Đỗ Việt - Mai Thoa 12/08/2023 09:08

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ đã giải thích về việc bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

ts-1-58ddc20b6b014ea999702aa96ba280bd1-1536x1057.jpg
Thí sinh tham gia một kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ở TP Hải Phòng (Ảnh minh họa- nguồn Internet)

Các kỳ thi thăng hạng vừa tốn kém vừa có vi phạm, tiêu cực

Theo đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ, việc bãi bỏ 10 Thông tư về nội dung nêu trên không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Luật Viên chức năm 2010. Mặt khác, việc bãi bỏ này còn góp phần cải cách hành chính, giảm bớt những thủ tục không cần thiết, giúp công chức, viên chức tiết kiệm thời gian dành cho việc học và thi cử, từ đó có thể chuyên tâm cho công việc.

“Trước đây Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chưa có các quy định cụ thể nên cần Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định này với những quy định rất cụ thể nên các Thông tư cũ không còn phù hợp cần bãi bỏ”, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ cho biết.

Theo tìm hiểu, trước đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định số 115/2020 theo hướng bỏ quy định hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chỉ giữ hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bộ Nội vụ nhận định, việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nội dung thi thăng hạng còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng.

Ngoài ra, hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng là viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.

Đặc biệt, với số lượng viên chức rất lớn (khoảng 1,8 triệu người) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ở các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém kinh phí; cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do “hạng chức danh nghề nghiệp” không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn chuyên ngành.

luat-su-ha-khuyen.jpg
Luật sư Hà Thị Khuyên

Loại bỏ được những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Hiểu một cách đầy đủ về Thông tư 12/2023 của Bộ Nội vụ thì đây là văn bản quy phạm pháp luật ban hành ra để bãi bỏ một số thông tư cũ đã không còn phù hợp; các thông tư cũ này quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Và hiện tại Bộ Nội vụ đã và đang ban hành những quy định mới về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đơn cử như quy định “Tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức” những người muốn trở thành cán bộ, công chức phải đủ điều kiện quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008, sửa đổi 2019. Muốn trở thành viên chức phải đủ điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Viên chức 2010, sửa đổi 2019. Quy định tuyển dụng mới theo Luật (văn bản cao nhất) đã được sửa đổi dẫn đến nhiều văn bản dưới luật cần điều chỉnh, sửa đổi, hủy bỏ vì vậy mà Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư 12/2023 để bãi bỏ 10 thông tư cũ không còn phù hợp là điều tất yếu.

Các quy định mới về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có xu hướng chặt chẽ hơn, phân loại được cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá được năng lực cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh và loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém không hoàn thành niệm vụ, có nhiều vi phạm khuyết điểm…

“Bãi bỏ quy định cũ và áp dụng các quy định mới như hiện nay trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức hiện nay là hợp lý có tác động và ảnh hưởng tích cực, thay đổi này đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn tốt, phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc, yêu cầu của nền hành chính số, cải cách hành chính như hiện nay”, Luật sư Khuyên bày tỏ.

Trước đó, ngày 8/8, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 12/2023/TT-BNV bãi bỏ 10 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Thông tư 12/2023 bãi bỏ toàn bộ 10 thông tư dưới đây.

1. Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

2. Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

3. Thông tư số 06/2013/TT-BNV ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ Điều 19 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

4. Thông tư số 03/2015/TT-BNV ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

5. Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09 tháng 10 năm 2014 và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.

6. Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

7. Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

8. Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

9. Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11 tháng 4 năm 2001 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

10. Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức?