Tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN để trục lợi ngày càng phức tạp. Trong lĩnh vực BHXH, không chỉ là hành vi trốn đóng BHXH…mà còn có hiện tượng lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH để hưởng các chế độ BHXH.
Trước tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để trục lợi ngày càng phức tạp, ngày 16/5/2012, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát) thuộc Bộ Công an đã ban hành Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.
835 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành
Sau 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp, từ năm 2012 đến nay, BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; kịp thời trao đổi thông tin; phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật).
Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn: Yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; yêu cầu thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Ảnh minh họa
Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi số tiền do thanh tra, kiểm tra và phát hiện trục lợi, kết quả số tiền đã khắc phục nợ là 252.797 triệu đồng; đồng thời đã thu hồi được số tiền 6.447 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH và số tiền 3.134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành và Công an địa phương thực hiện khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động ra tòa án do nợ tiền đóng BHXH kéo dài. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 459 tổ chức, cá nhân vi phạm, số tiền thu hồi do xử phạt vi phạm hành chính là 206 triệu đồng.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, đã giúp 02 cơ quan xây dựng được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội ở địa phương, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong tình hình mới.
Cần phát huy hiệu quả hơn Quy chế phối hợp
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một số tổ chức cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH và BHTN để thực hiện hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là quỹ Ốm đau- Thai sản. Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, một số cá nhân phối hợp, tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và BHXH một lần với số tiền chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó gồm 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản với số tiền gần 1,3 tỷ đồng và 04 hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần với số tiền là 29 triệu đồng.Việc làm giả hồ sơ thanh quyết toán chế độ thai sản để chiếm đoạt tiền còn được phát hiện tại Hải Dương, Cần Thơ, Đồng Nai; Đồng Tháp, Bến Tre…
Từ việc triển khai Quy chế phối hợp, cơ quan chức năng còn phát hiện một số phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm như lợi dụng kẽ hở của chính quyền địa phương trong việc chứng thực các văn bản giấy tờ để làm giả Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh bản sao và thực hiện lập hồ sơ giả mạo đề nghị cơ quan BHXH thanh toán tiền trợ cấp thai sản; tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH; doanh nghiệp cố tình lập và sử dụng 02 hệ thống thang bảng lương khác nhau (một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động, một hệ thống lương dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH) với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng tiền BHXH của người lao động mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH; một số cơ sở khám chữa bệnh cố tình lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng để trục lợi quỹ BHYT.
Hiện nay, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT hay lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHYT để hưởng các chế độ chính sách theo quy định ở các tổ chức , doanh nghiệp vẫn đang được dự báo là chưa thể chấm dứt. Trong lĩnh vực BHYT, vẫn còn tình trạng trục lợi quỹ BHYT. Ngoài ra việc giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa …để hưởng chế độ BHYT vẫn đang tồn tại.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, để công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT phát huy hiệu quả hơn nữa, cơ quan BHXH và cơ quan công an phải thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định đã ký kết. Cơ quan BHXH địa phương cần chủ động phối hợp với công an các địa phương trong việc trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ, tài liệu và tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung cụ thể để triển khai thực hiện theo từng năm; Cần tập trung phối hợp trong đấu tranh, phòng chống các vụ việc vi phạm pháp luật đang diễn ra nổi cộm hiện nay như làm giả hồ sơ tham gia hưởng các chế độ BHXH, BHYT; mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, cầm cố sổ BHXH.